Người thầy đáng kính
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ngay từ nhỏ, anh Y Thắng Rơ Yam đã nhen nhóm cho mình ước mơ “gieo chữ” cho học sinh ở miền quê nghèo nơi mình được sinh ra và lớn lên.
|
|
Thầy Y Thắng Rơ Yam đến tận nhà người dân để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, vận động các em đi học. |
Cho đến năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, anh Y Thắng Rơ Yam với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã quyết định nộp hồ sơ tình nguyện vào dạy học tại Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) – một xã khó khăn nằm bên dòng sông Krông Nô.
Kể từ đó, anh Y Thắng bắt đầu hành trình đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người. Dưới sự nhiệt tình chỉ dạy, dẫn dắt của thầy Y Thắng, nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS Trần Quốc Toản đã dắt tay nhau bước qua một chặng đường trên “dòng sông tri thức”.
Rời ghế trường THCS, nhiều em tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường, lên THPT rồi học nghề. Bên cạnh đó, có em nối gót chân thầy Y Thắng, trở thành đồng nghiệp, nhưng cũng có em trở về với ruộng để mưu sinh, lo cho cuộc sống gia đình…
Thế nhưng, các thế học trò của nhà trường luôn khắc ghi hình ảnh một người thầy đáng kính, “người lái đò” luôn tận tụy và hết lòng gieo con chữ cho học trò.
|
|
Thầy Y Thắng Rơ Yam trong một tiết dạy trên lớp. |
Theo ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin, thầy Y Thắng hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, luôn có lối sống giản dị và gương mẫu trong mọi sinh hoạt cũng như công việc.
Lý giải về điều này, ông Đặng Xuân Kiên cho hay: “Kể từ khi chúng tôi làm quản lý ở địa phương, tấm gương về sự tận tuỵ trong công việc giảng dạy, hỗ trợ học sinh, giáo viên của thầy Thắng luôn được mọi người nhắc đến với sự đáng kính, nể phục. Không chỉ vậy, những năm gần đây, thầy thường xuyên vào các khu dân cư di cư tự do để vận động người dân cho học sinh đi học. Mặt khác, thầy Y Thắng còn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà chính quyền địa phương giao cho”.
Ông Kiên cho biết, toàn xã Ea R’bin có 5 buôn, nay sáp nhập lại còn 4 buôn. Đáng nói, có nhiều khu dân cư gần như nằm tách biệt, giao thông đi lại khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia. Đáng nói, hầu hết dân ở đây là người dân tộc thiểu số rất hạn chế về tiếng Việt. Do đó, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Những lúc như vậy, thầy Y Thắng lại nhiệt tình tham gia hỗ trợ xã tuyên truyền, vận động bà con.
Ngoài ra, mỗi khi có đoàn cán bộ ở xa đến, thầy Y Thắng cũng đều xung phong dẫn đoàn và kiêm phiên dịch tiếng bản địa cho các đoàn công tác.
|
|
Thầy Y Thắng Rơ Yam đến tận nhà người dân ở vùng sâu, vùng xa để vận động các em được đến trường. |
Thầy, Trịnh Duy Quyết, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, cho biết: “Dù tôi mới có quyết định về trường làm việc trong một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy, thầy Y Thắng không chỉ nhiệt huyết với công việc mà còn luôn quan tâm đến học sinh và đồng nghiệp. Đặc biệt, không có việc gì làm khó được thầy, từ giảng dạy đến quản lý học sinh hay tham gia các hoạt động tập thể. Theo đó, thầy luôn sống, làm việc một cách gương mẫu, tiên phong của người đảng viên”.
Sự hy sinh thầm lặng
Không chỉ thực hiện tốt quy chế chuyên môn ở trường mà sự nhiệt huyết và nguồn năng lượng tích cực vô tận trong sự nghiệp “trồng người” của thầy Y Thắng khiến cho không ít người phải nể phục. Giải thích về điều này, cô H’Thuỷ Tơ, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản cho hay: “Trong giảng dạy, thầy Y Thắng luôn tìm phương pháp dễ hiểu nhất cho học trò. Trong quản lý, thầy Y Thắng lại hết sức trách nhiệm và hoà đồng với mọi người. Cái gì có thể góp ý hay giúp đỡ đồng nghiệp được là thầy làm ngay, không hề toan tính thiệt hơn”.
Hơn thế nữa, do trường đóng chân ở địa bàn vùng sâu, đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn. Nhiều học sinh ở xa trường có nguy cơ bỏ học. Với tấm lòng tấm lòng yêu thương học sinh không biên giới, nhiều năm nay, thầy Y Thắng không ngần ngại băng rừng, lội suối mang cái chữ đến với học trò nghèo ở nơi thâm sơn, cùng cốc. Với những học sinh không thể đến trường, thầy lội bộ đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh và dùng cái tâm của mình để động viên gia đình cho con em đi học.
|
|
Thầy Y Thắng Rơ Yam trong một lần đi khảo sát việc học tập của các em học sinh bản mông. |
Đồng thời, thầy luôn nhắc các đồng nghiệp, giáo viên trong trường, dù thế nào cũng không thể để các em thất học. “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, tôi đã chứng kiến nhiều em nhỏ vì không được đi học, thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một số thì lấy chồng, lấy vợ sớm, đẻ nhiều dẫn đến cuộc sống khó khăn và không hạnh phúc...Chính vì lẽ đó, nhiệm vụ của một nhà giáo, tôi không cho phép mình bỏ cuộc trước những khó khăn trong quá trình đưa học sinh đến trường” – thầy Y Thắng tâm sự.
Chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của thầy giáo Y Thắng, nhiều giáo viên của Trường THCS Trần Quốc Toản luôn trân quý những tình cảm mà thầy dành cho học sinh. Đồng thời, mọi người luôn xem thầy là một tấm gương để phấn đấu, học tập, noi theo.
“Chúng em dù công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa với rất nhiều khó khăn bủa vây, nhưng vẫn luôn thấy ấm áp, tự tin bởi có thầy Y Thắng đồng hành. Trong chuyên môn, là người đi trước, nắm chắc kĩ năng, phương pháp, khi đồng nghiệp cần, thầy đều truyền lại một cách ân cần. Đặc biệt, phương pháp nắm địa bàn, phương pháp giáo dục, rèn luyện các em học sinh mà thầy truyền dạy đã giúp cho nhiều giáo viên tự tin và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, cô Phạm Thị Hồng cho hay.
Còn với em Lữ Tuấn Anh Kiệt - một trong những học trò cũ, nay trở thành đồng nghiệp của thầy Y Thắng chia sẻ: “Nhiệt tình là đức tính đầu tiên của thầy Y Thắng. Trong tất cả mọi công việc, thầy luôn là người đi trước về sau. Thầy luôn biết quan tâm đến những cái nhỏ nhất của học sinh. Thầy sống rất tình cảm, nhẹ nhàng với học trò”.
|
|
Nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS Trần Quốc Toản đã dắt tay nhau bước qua một chặng đường trên “dòng sông tri thức”. |
Theo anh Kiệt, bản thân anh học được ở thầy Y Thắng nhiều nhất là bản lĩnh, kĩ năng công tác xã hội. “Khi còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi vốn là học trò có tính cách hơi ngỗ ngược. Nhưng cứ đến tiết Hoá học của thầy Y Thắng, lại rất thích thú lắng nghe từng lời giảng của thầy. Bởi thầy luôn lồng ghép vào nội dung bài giảng những bài học làm người tốt. Chính nhân cách, lối sống ấy của thầy đã giúp tôi có thêm động lực phải học tập tốt hơn và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà giáo như hôm nay”, anh Kiệt nói thêm.
Với những cống hiến to lớn nói trên, trong gần 20 năm công tác tại địa bàn vùng sâu, thầy Y Thắng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hằng năm, thầy đều được các cấp khen thưởng. Đồng thời, thầy luôn được đồng nghiệp, học sinh và người thân hết lòng ca ngợi.
Thế nhưng, thầy Y Thắng không xem đó là thành tích của cá nhân mình mà cho rằng đó là nhiệm vụ của một nhà giáo. Thầy Y Thắng nhấn mạnh: “Đã là người con của núi rừng Tây Nguyên, mình được học nhiều hơn, giờ giúp được bà con cái gì thì phải hết lòng, hết sức mà giúp. Còn công lao, thành tích là của chung tập thể chứ có phải của riêng tôi”.
Năm học 2022-2023 này, Trường THCS Trần Quốc Toản có 5 lớp với 181 học sinh thuộc 9 dân tộc anh em. Trong đó, 176 em là người dân tộc thiểu số. Có hơn 46% là con hộ nghèo và gần 20% là hộ cận nghèo./. |