Nhiều trẻ không may sinh ra phải gánh chịu nỗi đau khi mắc phải một khiếm khuyết, dị tật,... để hòa nhập với cuộc sống gia đình, cộng đồng là một điều không hề dễ dàng.

Để góp phần giúp đỡ bản thân nhiều đứa trẻ bất hạnh, xoa dịu nỗi đau cho biết bao gia đình, 25 năm về trước, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã quyết định thành lập trường Dạy trẻ khuyết tật Tương Lai, nay là Trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng với nhiệm vụ cao cả chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Qua ngần ấy năm, những đứa trẻ bất hạnh luôn được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc tận tình của thầy cô giáo, nhân viên Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng.

Trong số các thầy, cô giáo tại trường Chuyên biệt tương lai Đà Nẵng, có một người thầy đã tận tình gắn bó, chăm sóc những trẻ em khuyết tật suốt 10 năm qua. Dù gặp không ít khó khăn bởi dạy học cho trẻ em bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó gấp nhiều lần, nhưng thầy giáo Phan Văn Tính luôn coi sự tiến bộ từng ngày của các trò nhỏ là niềm vui, hạnh phúc của chính mình.

leftcenterrightdel
 Vì “cái duyên”thời sinh viên mà thầy Tính lại chuyển sang học chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật, theo đuổi ước mơ được dạy dỗ, chăm sóc cho trẻ em sinh ra đã mang trên mình những dị tật.

Thầy Phan Văn Tính (SN 1984, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), từng học chuyên ngành kinh tế. Với tính cách hòa đồng, nhiệt tình, cậu sinh viên năm nhất, thường xuyên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và nhiều lần Tính được tiếp xúc với các em học sinh khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam.

Vì “cái duyên” thời sinh viên mà thầy Tính lại chuyển sang học chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật, theo đuổi ước mơ được dạy dỗ, chăm sóc cho trẻ em sinh ra đã mang trên mình những dị tật.

Tốt nghiệp Khoa giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang từ năm 2009, thầy Tính đã tình nguyện về công tác tại Trường chuyên biệt Tương lai.

“Buổi đầu lên lớp của kỳ kiến tập sư phạm với tiết dạy chính tả cho học sinh khiếm thính đối với mình chắc không bao giờ quên. Dù được đào tạo qua trường lớp nhưng bởi lý thuyết khác hẳn với khi tiếp cận thực tế và không khỏi tránh khỏi những lúng túng, lo lắng, khi không biết gỡ rối theo hướng nào.  Sau đó cứ tranh thủ thời gian rảnh, mình đọc lại lý thuyết, để hỗ trợ việc lên lớp”, thầy Tính nhớ lại.

 Lớp học của thầy Phan Văn Tính và 10 học trò đặc biệt với nhiều lứa tuổi khác nhau, những dị tật khác nhau như: chứng tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động… và cách tiếp thu cũng khác nhau. Do vậy, không thể nào áp dụng phương pháp dạy học bình thường được. Thầy Tính phải cất công chỉ dạy từng em một, dạy đi dạy lại chúng nó mới nhớ được. Còn chưa kể đến phần lớn, những trẻ bị khuyết tật thường nổi giận, đập phá đồ đạc. Những lúc như vậy, thầy Tính luôn vỗ về, an ủi giúp các em trở lại bình thường.

leftcenterrightdel
Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật càng khó hơn. Có những kiến thức đối với học sinh bình thường thì không học cũng biết nhưng với học sinh khuyết tật lại vô cùng cần thiết. 

“Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật càng khó hơn. Có những kiến thức đối với học sinh bình thường thì không học cũng biết nhưng với học sinh khuyết tật lại vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, ăn uống, đi vệ sinh, mặc quần áo, chào hỏi ba mẹ, thầy cô, nói cảm ơn - xin lỗi…

Nhiều hôm đang cho các con ăn còn tát, phun hết đồ ăn lên mặt. Nhưng rồi khi nhìn các con trở về với con người thật, nét khờ khạo, ngây ngô lại hiện rõ. Nhìn các con tiến bộ rõ rệt, biết quét nhà, lặt rau, rửa bát… Lúc đó mình lại tiếp thêm sức lực, đặt tất cả niềm hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn cho trẻ khuyết tật.”– Thầy Tính tâm sự.

Thầy Tính cũng cho hay khó khăn lớn nhất không phải chỉ đến từ các em mà có nhiều phụ huynh hiểm lầm về việc uốn nắn, hướng dẫn trẻ trong các tình huống, không hợp tác.

Mong mỏi duy nhất của thầy Phan Văn Tính là phụ huynh gần gũi, chịu khó trao đổi thông tin về học sinh để hỗ trợ cho giáo viên trong chăm sóc và can thiệp tật cho trẻ. Thầy Tính cũng luôn trăn trở phải làm sao để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui mà không thấy áp lực, nặng nề. Để có được điều đó, phải khắc phục những điểm hạn chế của chương trình... 

leftcenterrightdel
 Thầy Tính luôn muốn nghiên cứu ra mọi phương pháp dạy cho trẻ khuyết tật

Với những đứa trẻ đặc biệt như thế này thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, thì có thể số phận các em sẽ khác đi. Trẻ em, lại là trẻ khuyết tật thì rất tinh ý, ai yêu thương, quan tâm các em thật lòng, các em đều biết cả. Và khi bé biết mình được thầy cô giáo dành trọn sự yêu thương, chăm chút thì giáo viên dễ kích thích được sự phát triển của trẻ.” – Thầy Tính cho hay.

Không chỉ là một người dạy dỗ, uốn nắn từng nét chữ cho các em mà thầy Tính còn là một người cha tô vẽ cuộc sống, chắp cánh ước mơ cho các em.

Em Huỳnh Bá Nhất- Trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng. Nhất được gửi đến trường từ hai năm, khi nói còn chưa rõ. Sau thời gian được thầy Tính dìu dắt giờ Nhất tuy nói còn chậm nhưng Nhất thể nói rõ câu “Con học ở trường này đã hai năm rồi, con rất thích học ở đây, học đây rất vui.”

Em không ngần ngại khi vẽ lên trang giấy trắng khoe về ước mơ trở thành một giáo viên như thầy Tính cho mọi người.

Đối với các giáo viên trường chuyên biệt, có không ít giáo viên trẻ khi về trường không thể trụ lại, vì áp lực công việc và cả áp lực gia đình.  ngoài giáo trình dạy học bình thường, còn có một giáo trình khác rất quan trọng đó là tấm lòng bao dung, khen nhiều hơn chê, thưởng nhiều hơn phạt, sự kiên trì, yêu thương học trò, hòa đồng với đồng nghiệp…

“Với tôi, thầy Phan Văn Tính là một đồng nghiệp rất là chăm chỉ và rất tâm huyết với tất cả các em. Thầy có một tình thương vô bờ bến đối với học sinh. Thầy có tầm nhìn rất tốt. Thầy Tính là một người thầy tâm huyết với tất cả các em học sinh trong trường khuyết tật này.” - Cô giáo Trần Thị Minh Yến, giáo viên trường Chuyên biệt tương lai Đà Nẵng chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Thầy Tính hướng dẫn học sinh múa, hát trong giờ hoạt động ngoại khóa

Thầy Nguyễn Duy Tuyên - Phó hiệu trưởng trường Chuyên biệt tương lai thành phố Đà Nẵng cho biết, thầy Tính luôn tận tâm, thương yêu học trò, chịu khó tìm kiếm những phương pháp dạy phù hợp nhất giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Thầy Nguyễn Duy Tuyên khẳng định, nhiều năm liền, thầy Tính là giáo viên giỏi cấp trường, cấp thành phố.

Từ năm 2010, nhà trường xây dựng khung chương trình cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Trong số đội ngũ giáo viên của trường, thầy Tính là giáo viên trẻ, có kỹ năng sử dụng máy tính, thầy không chỉ giúp đồng nghiệp mà còn tiên phong trong xây dựng khung chương trình này.

Với  10 năm tận tụy giúp những đứa trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, thầy Phan Văn Tính đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 7 năm liền, danh hiệu “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu” năm học 2017-2018.  Viện khoa học giáo dục Việt Nam đã cấp chứng nhận về những đóng góp tích cực của thầy Tính trong hợp tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt Việt Nam vào năm 2016. Song, hơn hết, phần thưởng lớn nhất mà thầy Tính có được, đó chính là sự tiến bộ từng ngày của các trò nơi đây.

Cái không khí se se lạnh của mùa đông đang gõ cửa từng phòng học ở trường Chuyên biệt tương lai thành phố Đà Nẵng nhưng trong lớp học nhỏ của thầy Tính cũng như những thầy cô khác vẫn luôn ấm áp bởi những tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, vì tình thương yêu của “người lái đò” dành cho học trò của mình…

Lê Tâm