|
|
Các học viên soi đèn pin đến lớp học. |
Bình Liêu là huyện miền núi tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người dân mù chữ cao nhất của tỉnh Quảng Ninh. Việc mở lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho người dân vùng cao, đã nhanh chóng được triển khai.
Tại thôn Ngàn Vàng Trên (xã Đồng Tâm) đúng 19 giờ 30 phút, tất cả các học viên lớp học sau xóa mù chữ tại đã có mặt ở lớp học. Lớp được mở từ cuối tháng 7 năm 2022, với 22 học viên, 100% các học viên là người dân tộc Dao Thanh Phán, có tuổi đời từ 36 tuổi trở lên.
Ở lớp học này, có một điều đặc biệt hơn ở các lớp khác đó là có 4 cặp vợ chồng cùng nhau đi học. Sau một ngày lên rừng làm lụng vất vả về, họ lại động viên nhau nấu nướng, ăn uống sớm để kịp giờ đến lớp.
Dù mưa hay nắng, dù một ngày bận rộn đến mấy, họ cũng thu xếp thời gian để đi học.
Anh Chíu Chăn Lằm (Trú thôn Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Tâm) chia sẻ: "Ngày xưa gia đình không có điều kiện để đi học nên tôi không biết chữ, do đó, trong phát triển kinh tế, làm cái gì cũng khó, cũng vấp, nhờ có lớp xóa mù chữ này, giờ tôi đã biết đọc, biết viết, biết nhân chia, đi buôn bán không còn ngại nữa".
Tại Nhà Văn hóa thôn Phặc Chè - Nà Choòng (xã Hoành Mô) luôn sáng đèn, vang lên tiếng ê, a tập đánh vần. Chị Vi Thị Toán (48 tuổi, dân tộc Dao) cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sống trong cảnh mù chữ, cuộc sống nhiều khi gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, được cán bộ vận động, chị đã đăng ký tham gia lớp học tại nhà văn hóa thôn.
|
|
Lớp học luôn đầy đủ quân số. |
Chị Toán phấn khởi chia sẻ: "Tham gia lớp một thời gian, tôi đã có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Tôi đang mong sau hết khóa học này, tôi sẽ đọc và viết được nhiều hơn nữa”.
Những lớp xóa mù chữ thường kéo dài 5-6 tháng, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần; thậm chí giáo viên phải thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với họ để giữa 2 bên hiểu và tin tưởng nhau trước khi tới lớp; động viên học viên đến lớp nhất là vào mùa.
Được biết, năm 2022, huyện Bình Liêu mở được 7 lớp xóa mù chữ với 126 học viên, có tuổi đời từ 15 tuổi trở lên. Các xã đã cử cán bộ đến từng thôn, bản, từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con đi học.
Những ngày đầu vận động bà con đi học cũng gặp không ít khó khăn bởi ban ngày bà con lên rừng làm nhựa thông, đi làm thuê, làm mướn, nhiều người ngủ lại trên rừng để tiện cho việc làm của mình.
Việc dạy chữ cho học sinh vùng cao vốn đã gian nan, lại dạy cho những người lớn tuổi là cả một sự vượt khó, kiên trì của những người đứng lớp. Bởi vậy, để "gieo" được con chữ, không chỉ là khắc phục khó khăn, lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, đồng bào nơi đây của những thầy, cô giáo vùng cao.
|
|
Cô giáo Phan Thị Hiền soát lỗi chính tả cho học viên. |
Cô Phan Thị Hiền - giáo viên xóa mù chữ thôn Ngà Pạt, xã Lục Hồn chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng, kiên trì cùng bà con lao động, học tập để bà con đến được gần hơn với con chữ. Để duy trì sĩ số lớp học, tôi cũng thường xuyên trao đổi với cán bộ thôn, cán bộ xã thực hiện tốt công tác dân vận giúp người dân tin tưởng, gần gũi, hiểu được việc học chữ rất có ích, từ đó họ sẽ xóa bỏ tâm lý e ngại, chịu khó đến lớp.
Ngoài ra, để chuẩn bị tốt nhất cho bà con đến lớp, ngoài giáo án đặc biệt chuyên dụng cho chương trình xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng các xã còn chuẩn bị bộ phấn trắng, bảng, vở, bút cho bà con.
Ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm chia sẻ: "Để động viên, khuyến khích bà con đi học, ngoài hỗ trợ sách vở xã cũng trích kinh phí để mua đèn pin cho bà con đi lại trong đêm cho thuận tiện. Với mục tiêu không để bà con các thôn, bản vùng cao không biết chữ, hàng năm xã cũng phối hợp với Phòng GD&ĐT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ cho bà con”.
Chắc chắn rằng, với những lớp học đặc biệt cùng sự nhiệt huyết, quyết tâm của những người giáo viên, "ánh sáng" từ con chữ sẽ góp phần tiếp tục thay đổi diện mạo những thôn, bản vùng cao của huyện miền núi, biên giới nơi đây.
K.Quyên - H. Gái