Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là sự kiện của Ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thực hiện.

Theo Thể lệ Giải, Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Theo Thể lệ Giải quy định, tác giả dự thi là công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải.

Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả không gửi quá 5 tác phẩm dự Giải.

leftcenterrightdel
 Những thầy cô Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội luôn mong muốn từ mái trường này sẽ đào tạo ra những cán bộ Kiểm sát bản lĩnh, tận tâm bảo vệ nhân dân, công lý và lẽ phải. (Ảnh minh hoạ)

Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức không gửi tác phẩm tham dự Giải.

Tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là những tác phẩm bằng tiếng việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2020 đến ngày 5/9/2021. Nếu các tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.

Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải, nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Tác phẩm đã đoạt Giải báo chí Quốc gia, các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác không được tham dự.

Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm tác phẩm được công bố.

Loại hình báo chí được xét trao Giải gồm: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình

Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến ngày 30/9/2021.

Về cơ cấu giá trị giải thưởng, bao gồm: 1 Giải đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình); Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật).

Mỗi giải thưởng sẽ bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiền thưởng bằng tiền mặt.

Cụ thể, Giải đặc biệt: 60.000.000 đồng; Giải nhất: 30.000.000 đồng/giải; Giải nhì: 15.000.000 đồng/giải; Giải ba: 10.000.000 đồng/giải; Giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.

Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng.

Địa chỉ nhận tác phẩm: Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua Email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn. Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2021.

Dự kiến, Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 13/11/2021.

Về nội dung: Tác phẩm dự thi bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu. Nội dung tác phẩm dự thi còn phản ánh các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học. Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
 
P.V