leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tới các cơ quan báo chí về kỳ thi THPT quốc gia 2024 vừa diễn ra. Ảnh: VGP

Cụ thể, trả lời báo chí về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào ngày 27-28/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sau kỳ thi, Bộ cũng đã tổ chức họp báo và thông báo kết quả triển khai.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đánh giá kỳ thi năm nay diễn ra một cách an toàn, nghiêm túc theo kế hoạch, không có sự cố đáng kể. Công tác làm đề thi năm nay tiếp tục được đảm bảo an toàn, bảo mật và chất lượng đề thi cũng được các thí sinh, gia đình và các chuyên gia đánh giá cao ở mức độ phù hợp, thực hiện 3 mục đích: Một là, đánh giá công tác dạy và học ở các địa phương, các nhà trường; thứ hai là, xét tốt nghiệp THPT và thứ ba là, căn cứ để các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề xét tuyển sinh viên.

Công tác tổ chức thi cũng như mọi năm diễn ra rất ổn định, không có sự cố gì đáng kể. Kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) của Ban Chấp hành Trung ương.

Hiện tại, việc chấm thi đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến trước ngày 17/7 sẽ có đầy đủ kết quả để thông báo kịp thời tới thí sinh và xã hội.

Đánh giá chung, kỳ thi năm nay là năm thứ 10 chúng ta đổi mới căn bản kỳ thi THPT theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 là giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, vừa tin cậy, đảm bảo độ trung thực và đánh giá được năng lực của học sinh trung học cơ sở, tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Qua nhiều năm, kỳ thi đã đi vào ổn định, có thể nói là trở thành "công việc hằng ngày" của ngành Giáo dục và ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, khi tổ chức kỳ thi, đứng trước các cổng trường học, nếu không để ý thì cũng không biết trong đó đang diễn ra thi.

Về bài học kinh nghiệm rút ra sau kỳ thi, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Thứ nhất, trong mọi công tác thi, quy trình thi để thành công đến nay trước hết phải đảm bảo nguyên tắc chất lượng giáo dục, vì lợi ích chính đáng của người học, chất lượng giáo dục. Mọi khâu từ xây dựng quy chế thi, xây dựng đề thi, tổ chức coi thi, quyết định phương thức ra đề thi, chấm thi đều phải đảm bảo chất lượng, độ tin cậy, công bằng cho các thí sinh và công tác tổ chức thi phải đảm bảo thuận tiện cho thí sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Thứ hai, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp các cấp từ Thủ tướng tới các bộ, ngành, địa phương đến các cơ quan giáo dục, các cơ quan khác tại địa phương, cán bộ coi thi, chấm thi và cả sự quan tâm của toàn xã hội. Kỳ thi cũng có những giai đoạn có một số hạn chế, thiếu sót xảy ra nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp thì vai trò của địa phương ngày càng cao, khi đó kỳ thi sẽ được kiện toàn, tổ chức tốt đẹp hơn.

Thứ ba, việc phân công trách nhiệm rõ ràng của Bộ GD&ĐT, của các bộ, ngành, địa phương đến trách nhiệm của các cán bộ coi thi cho đến tất cả những người liên quan việc thi.

Thứ tư, công tác tập huấn, tuyên truyền cho đội ngũ tất cả những người làm thi, coi thi, bảo vệ, hỗ trợ và tuyên truyền cho học sinh. Những sự cố, những việc như sử dụng công nghệ cao để trục lợi, những hiện tượng tiêu cực xảy ra một phần là do ý thức, nhận thức của học sinh, của người coi thi. Nếu chúng ta làm công tác tập huấn, tuyên truyền tốt thì giảm thiểu được điều này.

Cuối cùng là công tác thanh tra, mọi công tác làm tốt rồi nhưng công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thường xuyên nghiêm túc cũng giúp cho công tác thi, công tác tổ chức thi từ đầu đến cuối diễn ra tốt đẹp. Năm nay, không xảy ra sự cố gì đáng kể, có một vài sơ suất thì Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương xem xét; những việc gì cần xử lý cũng đã xử lý kịp thời, những vấn đề còn lại tiếp tục được theo sát trong công tác chấm thi để có kỳ thi tốt đẹp.

“Sau khi công bố kết quả thi, chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để kết thúc 10 năm quá trình đổi mới để chuẩn bị cho năm  2025”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Thế Đức