Chỉ quy định nguyên tắc thi tốt nghiệp THPT

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là: Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao cho các địa phương thực hiện. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Phan Thanh Bình: Để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp.

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua rất được dư luận quan tâm. Bên cạnh xảy ra một số tiêu cực thì tỉ lệ tốt nghiệp rất cao, có địa phương đạt 99%.

Đồng tình vẫn quy định thi THPT nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Dự Luật cần quy định giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể; tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá, giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực. Từ đó chất lượng đầu vào ĐH được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.

leftcenterrightdel
Có thể tiến tới bỏ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để giảm lãng phí ngân sách? 

Cần quy định rõ hơn về lựa chọn sách giáo khoa

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.

Hiện nay, quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong Dự thảo Luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần làm rõ hơn những quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) hiện nay. Cụ thể, Điều 31 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo... UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Nếu không có những quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể, chi tiết về vấn đề này sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “loạn” sách giáo khoa - ông Nguyễn Tạo bày tỏ.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là điều cần thiết.“Điều này đã được thể hiện trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, cần những quy định chi tiết, cụ thể hơn. “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xác định rõ, sách giáo khoa sau khi biên soạn, công bố chính thức cần được sử dụng lâu dài, tránh lãng phí”, đại biểu Hòa đề nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên giữ đồng thời hai vai trò thành lập Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định. "Để bảo đảm tính khách quan, tôi cho rằng, Chính phủ nên thực hiện một trong hai việc trên và vấn đề này cần được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)", đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm.

Xuân Hưng