Hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu 

Bộ Công an cho biết, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu âu… Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

Cùng với đó, các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; một số bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin do chưa thực sự quản lý, kiểm soát được dữ liệu nhà nước trên hạ tầng của doanh nghiệp. 

Mặt khác, nhân lực vận hành, quản trị các hệ thống thông tin vừa thiếu, vừa yếu; các cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chưa được xây dựng đầy đủ; nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khó khăn trong việc khai thác, liên thông, cung cấp kịp thời dữ liệu để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông, phân tích thống kê, đưa ra các chỉ tiêu, chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ,…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Cũng theo Bộ Công an, qua rà soát, hiện có 69 Luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số... Qua phân tích, thống kê tại các văn bản luật nêu trên thì các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số. 

Đồng thời, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật và khảo sát thực tiễn của Bộ Công an các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, gần 100 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Từ các lý do trên, theo cơ quan chủ trì xây dựng Luật, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. 

Các nguyên tắc và hành vi bị cấm

Về bố cục, dự thảo Luật (lần 2) gồm 7 chương, 66 điều; quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ các nguyên tắc chung đó là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm tính toàn vẹn, an ninh, an toàn và bảo vệ dữ liệu.

Đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận, khai thác và sử dụng dữ liệu.

Thu thập, cập nhật, điều chỉnh dữ liệu, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, duy trì, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả, lưu trữ lâu dài.

Khai thác, điều phối dữ liệu đảm bảo hiệu quả, đơn giản thuận tiện cho cơ quan nhà nước, cá nhân và tổ chức trong thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính và các giao dịch khác; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong tiếp cận và sử dụng dữ liệu, đồng thời duy trì khuyến khích nghiên cứu các giải pháp tạo ra giá trị thông qua dữ liệu.

Đảm bảo tính kế thừa dữ liệu, hạn chế việc thu thập cập nhật lại các thông tin đã được lưu trữ, đồng bộ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật nêu rõ các hành vi gồm: Lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ xử lý dữ liệu.

Thu thập, cung cấp, sử dụng, truy cập, tiết lộ, hiển thị, phát tán, chia sẻ trái pháp luật dữ liệu.

Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ dữ liệu.

Gian lận, chiếm đoạt hoặc sử dụng dữ liệu trái pháp luật.

Cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh, mua bán, trao đổi dữ liệu trái pháp luật.

Phát triển, kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ dữ liệu xâm phạm an ninh, quốc phòng, quyền riêng tư của cá nhân, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

P.V