Theo đó, dự Thông tư đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 141/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng CAND; Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành; Thông tư số 82/2021/TT-BCA ngày 6/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; Thông tư số 06/2022/TT-BCA ngày 17/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH trong CAND.
Cụ thể, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1 Điều 6 Thông tư số 141/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 như sau: Trong phạm vi được phân công quản lý địa bàn, cơ sở, Công an cấp xã có nhiệm vụ sau:
Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở quy định tại Điều 5, 6 và Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC.
|
|
Hình ảnh vụ cháy thảm khốc xảy ra tại ngôi nhà trong ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào khoảng 0h46’ ngày 24/5/2024. |
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 theo hướng: Danh mục, số lượng phương tiện PCCC và CNCH trang bị cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành được quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Trang bị phương tiện tại các mục 1, 2, 3 và mục 4 của Phụ lục III phụ thuộc vào số lượng đội viên nhưng không ít hơn số lượng quy định và phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở; trường hợp, lực lượng PCCC chuyên ngành có dưới 10 người thì trang bị theo số lượng thành viên.
Mặt khác, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 82/2021/TT-BCA ngày 6/8/2021 về tiêu chuẩn của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC phải bảo đảm các tiêu chuẩn đó là: Có trình độ đại học trở lên ngành PCCC và CNCH.
Có kết quả kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Có thời gian thực hiện công tác PCCC và CNCH trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH như sau: Tối thiểu 5 năm đối với cán bộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; tối thiểu 3 năm đối với cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư đã sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 06/2022/TT-BCA ngày 17/1/2022.
Cụ thể, Thông tư này quy định về quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC và CNCH do sĩ quan, hạ sĩ quan Công an thực hiện trong CAND, bao gồm: Thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC; kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC; cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, Chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC.
Đồng thời, quy định về cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, đường sắt; phê duyệt, phê duyệt lại phương án chữa cháy của cơ sở; phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH; cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH.