Bộ Công an đang có Tờ trình Chính phủ đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018; ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020. 

Việc Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết quả trong 5 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 423.390 viên đạn, 3.762.871 kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98.895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí. 

leftcenterrightdel
 Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hành kỹ năng sử dụng súng quân dụng. (Ảnh minh hoạ)

Kết quả trong 5 năm toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, trong đó: Chế tạo trái phép 135 vụ, 197 đối tượng; mua bán trái phép 593 vụ, 812 đối tượng; vận chuyển trái phép 208 vụ, 251 đối tượng; tàng trữ trái phép 4.342 vụ, 5.659 đối tượng; chiếm đoạt trái phép 30 vụ, 30 đối tượng; trộm cắp 86 vụ, 91 đối tượng; sử dụng trái phép 28.715 vụ, 48.987 đối tượng (sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng); thu 4.975 khẩu súng các loại, 706.169 viên đạn, 321 lựu đạn, bom, mìn, 27.165,8 kg thuốc nổ, 106.564 kíp nổ, 15.249 công cụ hỗ trợ, 28.023 vũ khí thô sơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. 

Cụ thể trong 5 năm triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí…

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước  cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Về bố cục, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 75 Điều.

Trong đó, về các hành vi nghiêm cấm, cơ bản được giữ nguyên như quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; đồng thời chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ…

Về các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, dự thảo Luật quy định gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Trong đó, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, An ninh hàng không được trang bị súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

P.V