“Rốn da cam” Đông Sơn
A Lưới là một huyện vùng cao ở phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, với 17 xã và 1 thị trấn, là nơi sinh sống của các dân tộc anh em Ka tu, Pa cô, Pa hy, Tà ôi và Kinh.
Đây là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc màu da cam/dioxin. Trong chiến dịch “Ranch Hand”, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải hơn bốn trăm ngàn lít thuốc diệt cỏ, chứa hơn chục ki lô gam dioxin xuống A Lưới, làm cho hàng ngàn người bị nhiễm chất độc chết người này.
Xã Đông Sơn mà nhất là khu vực sân bay A So được xem là “điểm nóng” với mức độ ô nhiễm dioxin rất cao, do trước đây khu vực này được quân đội Mỹ dùng làm sân bay dã chiến, tàng trữ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải và tẩy rửa máy bay sau khi phun.
Chất độc dioxin đã thấm sâu vào đất, làm nhiễm độc nguồn nước, biến nơi đây thành một “vùng đất chết”. Không chỉ làm chết người, nó còn để lại hậu quả cho nhiều đời sau, khiến những đứa trẻ ra đời bị dị dạng, dị tật, bại não, chậm phát triển trí tuệ, liệt toàn thân. Nó còn giết chết cây rừng, biến những cánh rừng bạt ngàn thành đất trống đồi trọc, khiến cho nhiều loài động vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế chết dần. Bà con nơi đây chỉ mong một ngày vùng đất chết sẽ được tẩy độc và hồi sinh, để con cháu đời sau thoát khỏi bệnh tật, được hạnh phúc và có cuộc sống bình thường như mọi người.
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn đó. Chất độc này vẫn hiện diện trong đất, nước làm cho bà con sinh sống ở vùng đất này bị nhiễm, dẫn đến người bại não, người liệt toàn thân, người bị câm, điếc, suy giảm khả năng lao động. Dioxin tồn tại trong máu, bầu sữa mẹ đã để lại di chứng cho nhiều thế hệ. Những ai đã từng đặt chân đến đây, đều không khỏi bùi ngùi, xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ sinh ra với hình hài không trọn vẹn, những con người hàng ngày quằn quại, đau đớn do chất độc này mang lại.
Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, toàn xã có 394 hộ/1.494 người nhưng có đến hơn 400 người nghi nhiễm, 40 người đang hưởng chế độ chất độc da cam/dioxin, đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống vô cùng khó khăn. Bà Hồ Thị Hở ở thôn Loah Ta Vai liệt toàn thân, suy giảm 70% khả năng lao động; bà Hồ Thị Vây ở thôn Ka Vá thì câm, điếc hay bà Kăn Di ở thôn Tru Chaih bị liệt cả hai chân, không có khả năng lao động; anh A Viết Phương ở thôn Ka Vá bị liệt hai chân, còn con anh thì bị dị dạng, dị tật; ông Lê Văn Tử ở thôn Tru Chaih đã là thế hệ thứ 3 của gia đình bị câm, điếc, suy giảm 70% khả năng lao động..., nỗi đau bệnh tật chắc sẽ còn đeo đẳng họ rất lâu nữa...
Ngoài nỗi đau về bệnh tật, sau chiến tranh, bà con xã Đông Sơn còn phải đối mặt với khó khăn đủ bề, thiếu thốn mọi thứ: trồng trọt, chăn nuôi không thể phát triển được, có thời điểm sản phẩm làm ra chỉ có thể để dùng, không thể đem bán, vì có bán cũng không ai dám mua. Tổ chức nghiên cứu UB 10.80 và Hatfield Consultants của Canada sau khi nghiên cứu (1994-2000) cũng đã cảnh báo rằng “không được sống, canh tác và không được nuôi bất cứ con gì, trồng cây gì ở “rốn da cam” Đông Sơn; bởi tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ dioxin cao hơn 26 lần mức cho phép”.
|
|
Hàng rào bồ kết quanh sân bay A So ngăn người dân vào khu vực nguy hiểm |
Vượt lên nỗi đau bệnh tật, đói nghèo
Bệnh tật, nghèo đói là thế, người ta cứ tưởng bà con nơi đây sẽ gục ngã, nhưng không, họ vẫn yêu quý, gắn bó vùng đất này với tinh thần lạc quan, quyết vượt lên tất cả. Thời gian đầu, do thiếu hiểu biết về tác hại của chất độc dioxin, bà con vẫn trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực sân bay A So nên không cây gì, con gì sống được.
Thất bại hết lần này đến lần khác nhưng họ vẫn không dừng lại, khu vực này không được, họ trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực khác; loại cây này không phát triển được, họ chuyển sang trồng loại cây khác; nuôi gà, vịt, cá không sử dụng được, họ chuyển sang nuôi bò, dê, trâu, cứ thế họ dần dần phát hiện ra khu vực đất, loại cây, gia súc, gia cầm phù hợp, phát triển tốt và cho năng suất cao.
Những năm trở lại đây, nhiều người dân còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ thế mà cuộc sống của họ khởi sắc từng ngày, không ít người đã làm giàu ngay chính trên vùng đất này, như trường hợp vợ chồng chị Lê Thị Sáu, nhờ tích cực học hỏi, cùng sự hỗ trợ của cán bộ địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng lúa nước cho năng suất ngày càng cao, có vụ đạt trên 50 tạ/ha, cùng mấy chục ha rừng trồng, chăn nuôi mấy chục con bò; anh Hồ Văn Tanh trồng được 3 ha rừng, nuôi 17 con trâu…
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế để cải thiện đời sống, người dân xã Đông Sơn còn quyết tâm cho con cái được học hành. Không phụ lòng ông bà, cha mẹ, nhiều em dù mang bệnh tật trong người, đau đớn mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng vẫn cố gắng, kiên trì học tập để theo đuổi ước mơ của mình.
"Vùng đất chết" đang hồi sinh
Thấu hiểu nỗi khổ đau của bà con xã Đông Sơn, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và huyện A Lưới đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp giúp đỡ bà con khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua bệnh tật, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Từ năm 2001, các cấp, các ngành, địa phương đã khảo sát, di dời các hộ dân ra xa khu vực sân bay A So với khoảng cách tối thiểu 700m nhằm tránh tác hại của chất độc dioxin; lắp đặt hệ thống nước sạch cho bà con sử dụng với kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng. Tiến hành trồng hàng ngàn cây bồ kết bao quanh khu vực sân bay A So, tạo thành một hàng rào xanh dài mấy ki lô mét để hạn chế tác hại của dioxin, góp phần làm xanh lại vùng đất này, ngăn người dân và vật nuôi vào khu vực nguy hiểm; đồng thời chính quyền địa phương còn ra sức tuyên truyền cho bà con hiểu thấu tác hại, cảnh báo và đề nghị bà con tránh xa, không trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nhiễm độc.
Nhà nước cũng đã thực hiện chính sách xóa nhà tạm cho 217 hộ dân, thực hiện chương trình 135 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho bà con nơi đây tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục; trợ cấp hàng tháng đối với các hộ dân có người nhiễm chất độc màu da cam.
Xã được huyện, tỉnh và Trung ương tập trung hỗ trợ giải quyết một số nhu cầu bức thiết về kết cấu hạ tầng như: trường học, trạm y tế, đường xá và các khu sản xuất nông nghiệp; đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp cấp mầm non đạt 100%, cấp tiểu học đạt 100%; xã có 1 trường mầm non, 1 tiểu học đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn xã là 58 km, trong đó, nhựa hóa 2 tuyến, dài 5,5 km; bê tông hóa dài 29 km.
Hàng năm, UBND huyện đều vận động đóng góp vào quỹ vì nạn nhân chất độc màu da cam, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người người dân. Trong 5 năm (2015-2020), tổng số người được đào tạo nghề là 163 người, đạt 67,54% kế hoạch chung hàng năm; song song với việc đào tạo nghề, huyện còn giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các loại cây phù hợp với đặc điểm vùng đất này, như cây keo, sắn, ngô; hỗ trợ bò, trâu, dê… để bà con chăn nuôi, từng bước xóa đóa, giảm nghèo.
|
|
Quyết tâm tẩy độc cho vùng đất này |
Ngày 7/2/2013, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm chứng tích hóa học sân bay A So. Năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So. 106 hiện vật về cuộc chiến tranh và 32 hình ảnh nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học tại A Lưới được giới thiệu tại Nhà trưng bày, góp phần phát triển du lịch di tích lịch sử cách mạng và giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đảng bộ, chính quyền và bà con xã Đông Sơn hết sức phấn khởi, vui mừng khi được biết Bộ Quốc phòng đã quyết định phê duyệt dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án. Ngày 2/10/2020, Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức lễ khởi công thực hiện dự án này, thực hiện trong 2 năm (2020-2022) với tổng kinh phí hơn 70 tỉ đồng. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả chất độc màu da cam/dioxin tại sân bay A So, góp phần khôi phục môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân.
Ông Hồ Văn Tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, dự kiến sau khi khu vực sân bay A So được tẩy độc sẽ giao lại cho địa phương để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu trưng bày, nhà lưu niệm.
Thế là giấc mơ hồi sinh vùng đất chết của bà con nơi đây đang dần thành hiện thực. Trên vùng đất ấy rồi đây hoa sẽ nở, cuộc sống của người dân đang thay đổi từng ngày.