KỲ 1: ĐƯỜNG LÊN KHU TỰ TRỊ THÁI MÈO

Từ sông Kinh Thầy đến thượng nguồn Đà giang

Dưới tán vườn cây xanh mát, vị tướng già đã 91 tuổi với mái tóc trắng tinh như cước, gương mặt phúc hậu hiền từ vẫn rất minh mẫn, hào sảng kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Đó là trang sử dài, hào hùng về cuộc đời người chiến sĩ công an gắn bó, cống hiến, chiến đấu hết mình vì mảnh đất Tây Bắc hùng vỹ bao la.

Người công an ấy đã có 71 năm tuổi Đảng, 45 năm trong ngành công an, 37 năm gửi mình cho biên viễn. Trong đó có 10 năm liên tục trực tiếp chỉ đạo, đấu tranh chống gián điệp biệt kích Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa xâm nhập miền Bắc các thời kỳ từ 1961 đến 1971, phá 13 chuyên án phản động, xưng vua, nổi phỉ, bạo loạn, lập đảng phái, âm mưu lật đổ chính quyền, bắt và tiêu diệt hàng trăm tên địch...

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp

Vị tướng già nheo mắt, trầm tư hồi tưởng: “Tôi sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dòng họ Nguyễn Trọng bao đời sinh cơ bên dòng sông Kinh Thầy hiền hòa đã hun đúc cho tôi tinh thần vượt khó, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm theo con đường cách mạng. Năm 13 tuổi, tôi phải đi làm thuê kiếm sống rồi sau đó lên thành phố Hải Phòng ở nhờ nhà một người bác để tự học. Năm 1945, tôi tham gia cách mạng, làm liên lạc viên cho Đội tự vệ Trưng Trắc - Hải Phòng. Thời kỳ từ 1946-1947, tôi trở về quê tham gia Ban Chấp hành thanh niên xã và làm giáo viên bình dân học vụ tại xã Thất Hùng. Từ năm 1947 đến 1950 tôi làm văn thư, thư ký đánh máy tại Tỉnh ủy Quảng Yên. Đến tháng 11-1948, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Dừng câu chuyện trong chốc lát, tướng Nguyễn Trọng Tháp bỗng bồi hồi xúc động rồi nói: “Cuộc đời tôi nặng duyên nhiều nợ với vùng Tây Bắc, năm 1951 thực sự là bước ngoặt lớn lao khi tôi chính thức nhận nhiệm vụ lên công tác tại Khu ủy Việt Bắc (năm 1955 đổi thành Khu tự trị Thái-Mèo), vào vùng địch hậu ở tỉnh Lai Châu. Bắt đầu từ đây, tôi trở thành người con của núi rừng Tây Bắc và suốt thời gian mấy chục năm công tác về sau tôi cống hiến cho mảnh đất này”.

Năm 1952, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Trọng Tháp 24 tuổi đã là ủy viên Ban cán sự huyện Tuần Giáo (tỉnh Lai Châu). Tây Bắc ngày ấy hoang sơ, rừng xanh núi đỏ, đời sống vô cùng khó khăn gian khổ, nhất là trong lúc đang dồn sức chống thực dân xâm lược. Một trong những trở ngại lớn nhất của cán bộ miền xuôi lên công tác như Nguyễn Trọng Tháp khi đó chính là việc bất đồng ngôn ngữ.

leftcenterrightdel
Trưởng ty Công an Lai Châu Nguyễn Trọng Tháp (người đứng bên phải) đang chỉ đạo đối tượng gián điệp biệt kích liên lạc tung tin giả cho trung tâm ở Sài Gòn. Ảnh TL CA Điện Biên 

Đồng bào các dân tộc thiểu số Lai Châu vào thời điểm những năm năm 60 hầu như không biết tiếng phổ thông chứ chưa nói đến chữ viết. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động,tổ chức sản xuất, xây dựng chính quyền, đội ngũ chống giặc là điều không hề đơn giản. Ngay từ những ngày đầu lên đây, Nguyễn Trọng Tháp đã xác định rõ phải học bằng được tiếng của đồng bào thì mới có thể sống và làm việc được.

Anh thanh niên đất Hải Dương đã chủ động hòa mình vào với nhân dân các dân tộc Mông, Dao,Thái… của đất Tuần Giáo để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của bà con. Khi đó kẻ địch thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc chia rẽ người Kinh với các dân tộc thiểu số, vì vậy tiếp xúc với đồng bào, Nguyễn Trọng Tháp rất thận trọng và quyết tâm dùng cử chỉ và thái độ của mình để làm cho họ hiểu được chủ trương chính sách của Đảng và tấm lòng của người cán bộ Việt Minh.

Từ sự gắn bó ấy, đồng bào đã rất tin tưởng vào ông, cung cấp cho ông và tổ chức nhiều tin tức có giá trị, giúp phá được nhiều vụ án trên địa bàn. Chính vì sự năng nổ, nhiệt tình và thông thạo đó mà Thống lý Vừ Cu Dơ, Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Tuần Giáo đã từng ngỏ ý rằng rất quý mến và muốn gả con gái cho cán bộ Tháp…

leftcenterrightdel
 Một toán gián điệp biệt kích xâm nhập khu vực Mường Mươn (nay thuộc huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) bị lực lượng Công an, quân đội bắt giữ.

Từ năm 1953 đến 1957, Nguyễn Trọng Tháp đi học tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) rồi lần lượt được giao các nhiệm vụ, Cán sự ủy viên huyện, Chính trị viên huyện đội, Chính trị viên Đại đội 810, Trưởng công an huyện, Uỷ viên Uỷ ban huyện Tuần Giáo, Chính trị viên phó Tiểu đoàn trực tiếp…

Trong thời gian này, anh đã tự học tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Dao,... giao tiếp thành thạo với bà con dân tộc, tìm hiểu và hoà nhập phong tục, tập quán, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng và củng cố các cơ sở cách mạng ở vùng sâu, vùng xa. Những năm kháng chiến chống Pháp, anh đã có nhiều đóng góp, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với việc tổ chức phát động "Ngày hội sen mường" là ngày hội giã gạo nuôi quân, góp phần đưa huyện Tuần Giáo vượt chỉ tiêu, cung cấp cho chiến dịch 1.270 tấn lương thực; tổ chức phong trào thi đua để dân công hoàn thành tiến độ mở đường trước thời hạn quy định...

Năm 1958, Nguyễn Trọng Tháp được điều về làm Trợ lý Ban Chính trị dân quân, Quân khu Tây Bắc, rồi từ đó đến năm 1962 ông làm Tổ trưởng tổ trinh sát, Phó phòng Bảo vệ Chính trị, Sở Công an Tây Bắc. Từ năm 1963 đến 1979, Nguyễn Trọng Tháp được bổ nhiệm Phó trưởng ty Công an Lai Châu, Phó bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy công an, Tỉnh ủy viên dự khuyết, Uỷ viên Ban bảo vệ Đảng tỉnh Lai Châu.

leftcenterrightdel
Trưởng ty Công an Lai Châu Nguyễn Trọng Tháp và phu nhân khi còn công tác ở Lai Châu. 

Thời kỳ này, một cuộc chiến mới đầy cam go, khốc liệt mở ra với cán bộ công an Nguyễn Trọng Tháp. Mười năm chống gián điệp biệt kích Tướng Nguyễn Trọng Tháp nhớ lại: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh đấu tranh thống nhất đất nước. Sơn La và Lai Châu là địa bàn hoạt động trọng điểm về xâm nhập biệt kích, gián điệp của Mỹ - Ngụy, nhằm phá hoại, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ - Ngụy đã tung nhiều toán gián điệp, biệt kích với hàng trăm tên cùng nhiều vũ khí, khí tài, điện đài, chất nổ... xuống vùng Sơn La và Lai Châu. Thời điểm đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, chúng ta đã tổ chức lập kế hoạch “trò chơi nghiệp vụ” nhằm câu nhử và bắt giữ tất cả các toán gián điệp biệt kích do địch thả xuống các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong thời gian đó, tôi trực tiếp tham gia 2 chuyên án nổi tiếng với bí số PY27 và LH17".

Tháng 6-1961, chuyên án PY27 được triển khai, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo: “Phải lập chuyên án đấu tránh nhằm đi sâu, tìm hiểu âm mưu địch từ cơ quan đầu não của chúng, nắm cho được số biệt kích chúng đang huấn luyện, dụ chúng đưa hết số đã huấn luyện ra Bắc để bắt”. Được giao phụ trách trực tiếp chuyên án, Nguyễn Trọng Tháp xác định, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, phải có tính kỷ luật cao, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Công an, của Công an khu, hướng dẫn của Cục Bảo vệ chính trị(nay là Tổng cục An ninh), không được để sai sót dù nhỏ.

Lần giỡ từ nhóm biệt kích mật danh Caster nhảy dù xuống bản Na Hỳ, xã Phiêng Ban, Phù Yên (Sơn La) bị bắt ngày 27-5-1961, Nguyễn Trọng Tháp đã đấu tranh, đi sâu nghiên cứu âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của địch. Đặc biệt ông tập trung khai thác tên toán trưởng, tên truyền tin các vấn đề nghiệp vụ, mật mã, mật khẩu an ninh… Sau 2 năm kiên trì đấu tranh, chuyên án đã bắt gọn 7 tên biệt kích tăng cường cho nhóm Caster, thu giữ 6 kiện hàng, đồng thời Nguyễn Trọng Tháp được trao tặng Huân chương chiến sĩ hạng Ba.

leftcenterrightdel
Truy kích gián điệp biệt kích ở xã Na Nư, huyện Điện Biên. Ảnh TL

Năm 1963, Nguyễn Trọng Tháp được đồng chí Trần Triệu, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc điều động lên làm Phó trưởng ty Công an Lai Châu, phụ trách công tác an ninh chính trị. Thời điểm này ông được giao tiếp nhiệm vụ chỉ đạo chuyên án đấu tranh với toán gián điệp biệt kích Remus với bí số LH17. Chuyên án này gian khổ, kéo dài tới 6 năm, đến tận tháng 4-1968 mới kết thúc, ta bắt 21 tên, thu 128 kiện hàng, trong đó có 17 bộ điện đài, 60 máy truyền tin bán dẫn, 1 tấn thuốc nổ TNT, đặc biệt thu 9 quả tên lửa chiến thuật và nhiều phương tiện hiện đại khác…

Qua hơn 10 năm tham gia đấu tranh chống gián điệp biệt kích, Nguyễn Trọng Tháp cùng đồng đội đã khắc phục mọi khó khăn, vượt gian khổ, hiểm nguy, lăn lộn cùng cán bộ chiến sĩ công an vũ trang (bộ đội biên phòng), nằm gai nếm mật, đồng cam cộng khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Những năm tháng ấy, họ ăn rừng ngủ núi, đói rét, mệt mỏi, trong lúc gia đình, con cái ốm đau, học hành ra sao đều không hề biết đến…

Nhờ những nỗ lực ấy mà tất cả các đợt tăng cường của địch vào địa bàn Tây Bắc đều bị đón lõng mà trung tâm chỉ huy của chúng không thể nào biết được. Cho đến sau này, cựu điệp viên CIA Tua-xơn (Tourison) làm việc tại chi nhánh Sài Gòn thời đó thú nhận trong cuốn sách “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật” rằng: "Hà Nội còn trên tài cả CIA vì họ đã biết trước kế hoạch của CIA".

Thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống bọn biệt kích gián điệp của Công an Lai Châu, Sơn La và một số địa phương khác đã góp phần quan trọng đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chỗ dựa vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam.

Kỳ II: Dẹp loạn xưng vưa nổi phỉ

Hoàng Trường Giang