Bảng thành tích ấn tượng

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiểm sát TP.Hồ Chí Minh hệ chính quy đầu tiên, ra trường năm 2002, hai năm sau, Nguyễn Công Thức được tuyển vào công tác tại VKSND huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Sau 5 năm công tác tại VKSND huyện EaH’leo, với nỗ lực phấn đấu không ngừng, cán bộ trẻ Nguyễn Công Thức đã được bổ nhiệm Kiểm sát viên (KSV) trung cấp.

Với thành tích 7 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Ngành, được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk và Viện trưởng VKSND tối cao, mới đây, KSV Nguyễn Công Thức, vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những cống hiến trong công tác kiểm sát.

Trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở cương vị nào, KSV Nguyễn Công Thức cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị.

Trong 5 năm (từ năm 2013 - 2017), với nhiệm vụ được phân công, KSV Nguyễn Công Thức đã kiểm sát giải quyết 204 tin báo; kiểm sát điều tra 186 vụ; kiểm sát xét xử 155 vụ; kiểm sát 549 vụ việc dân sự và kiểm sát giải quyết thi hành án dân sự. Ngoài ra, anh còn được phân công trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp tại Cơ quan CSĐT Công an huyện EaH’leo và TAND huyện EaH’Leo. 

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Nguyễn Công Thức. 

Bên cạnh đó, nhiều năm liên tục, anh Nguyễn Công Thức đã có những sáng kiến được công nhận, như: “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”…

Tiết lộ về nghề, anh Nguyễn Công Thức cho biết, là KSV thì phải luôn đặt ra cho mình những tình huống bị can có thể phản cung, nhất là những vụ án chỉ có duy nhất lời khai của bị can. Nếu bị can phản cung, mình phải có chứng cứ để chứng minh bị can phạm tội, từ đó đề ra yêu cầu để Điều tra viên (ĐTV) tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ chắc chắn, đầy đủ, rõ ràng trong từng vụ án, không để xảy ra oan sai, lọt người, lọt tội.

Từ một vụ tai nạn giao thông

Kể lại những chuyện góp nhặt từ nghề, trong rất nhiều vụ án mà KSV Nguyễn Công Thức tham gia kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử, vụ án tai nạn giao thông xảy ra đầu năm 2013 làm anh nhớ nhất. 

Theo đó, vụ án tai nạn giao thông xảy ra vào đầu năm 2013, giữa 2 xe khách mang BKS Đắk Nông và Thanh Hóa cùng chạy từ Đắk Nông ra Thanh Hóa. Khi đến địa phận huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra tai nạn khiến ông chủ xe khách mang BKS Đắk Nông và tài xế Phan Đức Tiến văng xuống đường, bị bánh xe sau chèn qua.

Hậu quả, chủ xe tử vong tại chỗ, còn tài xế Phan Đức Tiến bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu, sau đó cũng tử vong. Ngoài ra, trên xe còn bà Đặng Thị Tuyết (vợ của chủ xe) và một số hành khách bị thương.

Nhận được tin báo về vụ tai nạn, lãnh đạo VKSND huyện EaH’leo phân công KSV Nguyễn Công Thức tham gia kiểm sát điều tra, phối hợp với Công an huyện EaH’leo khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Tại hiện trường, chiếc xe khách dừng bên phải lề đường, phần đầu xe bên ghế tay lái bị trầy xước, móp méo; phía sau vị trí xe dừng, cách khoảng 50 mét là thi thể ông chủ xe, bên cạnh là tài xế Phan Đức Tiến, hai người đều bị văng ra khỏi xe. KSV Nguyễn Công Thức đã cẩn thận thu thập từng dấu vết, chứng cứ tại hiện trường, vị trí, khoảng cách giữa nạn nhân và phương tiện… Trong khi đó, lời khai của các nhân chứng là những hành khách ngồi trên xe đều không biết nguyên nhân do đâu mà xảy ra tai nạn vì nó xảy ra quá nhanh...

Đến những cuộc đấu trí, thu thập chứng cứ…làm rõ sự thật

2 ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, bà Đặng Thị Tuyết (vợ của chủ xe) khai báo: Xe khách biển số Thanh Hóa đã đâm vào xe của gia đình bà gây tai nạn rồi bỏ chạy. Đồng thời, bà Tuyết bảo sẽ tìm ra chiếc xe biển số Thanh Hóa này và báo với cơ quan chức năng.

4 ngày sau, bà Tuyết thông báo chiếc xe gây tai nạn cho xe của gia đình bà đang ở bến xe TP. Buôn Ma Thuột. Nhận được tin báo, KSV Nguyễn Công Thức và cán bộ điều tra cấp tốc lên đường.

Kết quả khám nghiệm xe khách mang biển số Thanh Hóa, ĐTV và KSV phát hiện phía sau bên phải (bên cửa hành khách lên xuống) có nhiều vết trầy xước, móp méo, khi ghép những dấu vết trên 2 phương tiện thì hình ảnh về vụ va chạm đã được dựng lên.

Theo dấu vết để lại trên hai phương tiện thì xe mang biển số Đắk Nông đã vượt bên phải xe mang biển số Thanh Hóa, do tài xế không làm chủ được tốc độ, không giữ được khoảng cách an toàn nên đã đâm vào phía sau xe khách Thanh Hóa, gây tai nạn.

Theo lời khai của tài xế xe khách Thanh Hóa, trước khi xảy ra tai nạn, hai xe đã có thời gian liên tục rượt đuổi vượt nhau để đón khách. Khi đến địa phận huyện EaH’leo, khu vực xảy ra tai nạn thì xe mang biển số Đắk Nông va quệt vào phía sau xe mang biển số Thanh Hóa. Nhìn qua gương chiếu hậu vẫn thấy xe Đắk Nông di chuyển, nghĩ rằng cú va chạm nhẹ không có gì nghiêm trọng nên tài xế xe Thanh Hóa vẫn điều khiển cho xe chạy bình thường.

Tài xế xe Thanh Hóa còn cho biết, anh ta biết tài xế Phan Đức Tiến và khẳng định, người lái xe mang biển số Đắk Nông hôm đó không phải là tài xế Tiến. Vì mỗi lần xe này hay xe kia vượt lên thì 2 tài xế đều nhìn thấy nhau.
Qua các tài liệu, chứng cứ thu thập được, KSV Nguyễn Công Thức xác định, người điều khiển xe khách Đắk Nông khi xảy ra tai nạn không phải là anh Phan Đức Tiến. Vì nếu anh Tiến ngồi trên ghế lái, điều khiển xe thì khi xảy ra tai nạn sẽ không thể bị văng xuống đường như thực tế hiện trường được. Vậy, câu hỏi đặt ra: Ai là người điều khiển xe khách mang biển số Đắk Nông khi xảy ra tai nạn?

Lời khai của bà Đặng Thị Tuyết được lấy nhiều lần nhưng bà Tuyết vẫn khăng khăng, khi xảy ra tai nạn, anh Phan Đức Tiến là người điều khiển xe.

Tiếp tục đấu tranh, bà Tuyết cho biết, có 2 nhân chứng đó là anh Nguyễn Văn Trung (ở huyện Hòa Nhơn, Bình Định), phụ xe và bà Nguyễn Thị Liên (ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) - hành khách đi trên xe hôm đó làm chứng cho nội dung khai báo của bà.

Quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc, KSV Nguyễn Công Thức cùng ĐTV đã lặn lội xuống Bình Định và ra Hà Tĩnh tìm gặp nhân chứng. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, KSV Nguyễn Công Thức phát hiện lời khai của 2 nhân chứng này có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu, chứng cứ và hiện trường vụ án.

Nghi ngờ có sự sắp đặt nhân chứng, với trách nhiệm của mình, KSV Nguyễn Công Thức đã giải thích cho các nhân chứng hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ khi khai báo. Trước những lời lẽ thuyết phục của KSV Nguyễn Công Thức, hai nhân chứng này đều khai nhận đã không có mặt trên xe mang BKS Đắk Nông hôm đó mà do có quen biết nên được bà Tuyết gọi điện nhờ khai báo như vậy.

Nút thắt của vụ án vừa được mở ra thì vào thời điểm này, bà Tuyết dẫn luật sư vào và đề nghị thay đổi KSV. Điều này lại tiếp tục gây khó khăn và áp lực cho KSV Nguyễn Công Thức. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định không có căn cứ để thay đổi KSV kiểm sát điều tra vụ án.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Nguyễn Công Thức thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa. 

Sau đó, KSV Nguyễn Công Thức đã yêu cầu triệu tập 2 nhân chứng vào đối chất với bà Tuyết. Việc đối chất được diễn ra tại VKSND huyện EaH’leo. Bà Tuyết đã bị bóc mẽ với chiêu trò sắp đặt nhân chứng cho lời khai của bà. Thế nhưng, bà Tuyết vẫn khai rằng, anh Tiến là người điều khiển xe khi gây tai nạn. 

Quá trình điều tra, KSV Nguyễn Công Thức nhớ lại, lúc ở bệnh viện có một thanh niên gần gũi với bà Tuyết. Theo phán đoán của anh, thanh niên này có mặt ngay từ khi xảy ra tai nạn. Qua xác minh được biết, thanh niên này tên là Ngô Văn Ngọc (quê ở Thanh Hóa, là phụ xe mang biển số Đắk Nông khi xảy ra tai nạn).

Vào thời điểm đó, có một nguồn tin cho biết, người điều khiển xe khách mang BKS Đắk Nông khi gây tai nạn là Ngô Văn Ngọc. Sau khi gây tai nạn, Ngọc dừng xe lại, xuống xe phát hiện ông chủ tử vong, anh Tiến bị thương nặng, Ngọc đã bật khóc và nói: Tôi đã giết người rồi. Ít phút sau, Ngọc đã gọi điện về cho bố là ông Ngô Văn Thuyên thông báo tình hình và bảo bố vào Đắk Lắk.

Sau khi nắm chắc thông tin về Ngọc, thanh niên này được triệu tập đến làm việc. Tuy nhiên, Ngọc chỉ khai nhận mình chỉ là hành khách trên chuyến xe đó chứ không liên quan gì đến nhà xe cả. Đồng thời, bà Tuyết cũng khai như vậy.

Tiếp tục thu thập chứng cứ, KSV Nguyễn Công Thức và ĐTV đã ra Thanh Hóa gặp bố của Ngô Văn Ngọc để làm rõ. Ông Ngô Văn Thuyên cho biết, hôm đó, Ngọc có gọi điện về nhà, nói nội dung thì ông không nhớ nữa. Và ông cũng không vào Đắk Lắk thăm anh Tiến khi còn đang cấp cứu ở bệnh viện.

Tuy nhiên, theo tài liệu điều tra, nhiều người trong gia đình anh Tiến thừa nhận có việc bố của Ngọc vào viện thăm anh Tiến và  giúp đỡ gia đình 5 triệu đồng, đưa trực tiếp cho vợ anh Tiến. 

Từ các chứng cứ thu thập được, KSV và ĐTV xác định, Ngọc là phụ xe khách mang BKS Đắk Nông, không có giấy phép lái xe. Anh Tiến là tài xế nhưng đã để cho Ngọc điều khiển và gây tai nạn. Thời điểm Ngô Văn Ngọc gây tại nạn, anh Tiến và chồng bà Tuyết - chủ xe đã đứng hoặc ngồi ở vị trí gần cửa lên xuống. Khi hai xe va quệt đã hất anh Tiến và chồng bà Tuyết xuống đường và bị bánh sau xe cán qua.

CQĐT Công an huyện EaH’leo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Ngọc về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam bị can Ngô Văn Ngọc. Các quyết định và lệnh tố tụng trên đã được VKSND huyện EaH’leo phê chuẩn.

Quá trình điều tra, bà Đặng Thị Tuyết liên tục cản trở và gây khó khăn cho ĐTV và KSV, bên cạnh đó, bị can Ngọc cũng rất ngoan cố, không nhận tội. Vì vậy, vụ án kéo dài do bị đình chỉ xét xử nhiều lần.

Tuy nhiên, qua quá trình đấu tranh, tại phiên tòa xét xử, những nhân chứng, vật chứng, quan điểm của KSV Nguyễn Công Thức nêu ra rất rõ ràng, thuyết phục, TAND huyện EaH’leo đã tuyên phạt Ngô Văn Ngọc 5 năm tù về tội danh trên.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Ngô Văn Ngọc đã kháng cáo. Giữa năm 2016, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên xét xử phúc thẩm. Trước những tài liệu, chứng cứ thuyết phục trong hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt Ngô Văn Ngọc y án sơ thẩm.

KSV Nguyễn Công Thức chia sẻ, qua mỗi vụ án, anh rút ra được những bài học kinh nghiệm: đấu tranh với tội phạm cũng như “đánh trận” và bản lĩnh của Kiểm sát viên trưởng thành hơn qua từng “trận đánh”.

Hồng Nguyên