Chiều 29/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
|
|
Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM Phạm Đức Hải thông tin về các chỉ đạo mới của thành phố. (Ảnh: Khang Minh) |
Tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM Phạm Đức Hải cho biết, 7 ngày qua thành phố đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện tốt, phải xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, lực lượng chức năng đã lập biên bản 6.296 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 8,8 tỉ đồng.
Thành phố đã triển khai việc xét nghiệm diện rộng ở khu vực có nguy cơ cao và rất cao, yêu cầu người dân tự lấy mẫu xét nghiệp với tổng số 1.677.154 mẫu, phát hiện 64.299 F0. Do đó, số ca phát hiện mới trong 7 ngày tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca nhiễm mới, chiếm tỷ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm. Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai xét nghiệm lần 2.
Hiện TP HCM đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động, 786 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an và 11.177 chiến sĩ, y, bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ quốc phòng và các quân khu.
Tại 321 phường xã thị trấn, Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp Tổ Covid cộng đồng và các lực lượng khác triển khai công tác “đi chợ hộ” với tần suất 1 tuần/1 lần và phân phối trực tiếp đến người dân.Từ ngày 23/8 tới 28/8, thành phố đã đi chợ hộ cho 411.922 hộ/ 508.666 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ 81%.
Nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các nội dung cụ thể như sau:
Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách với phương châm thần tốc, hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn chủ động tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh), đảm bảo tiến độ như sau: Các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng: đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1, do các đội lấy mẫu được tập huấn thực hiện. Sau khi kết thúc đợt 1, thực hiện tiếp đợt thứ 2, hoàn thành trước ngày 6/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ.
Các vùng đỏ, vùng cam: đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu.
Các địa phương rà soát lại nguồn lực nhân lực lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức huy động lực lượng tại chỗ, kể cả đối với người đã khỏi bệnh tham gia thực hiện. Nếu cần bổ sung nhân sự lấy mẫu, khẩn trương đề xuất cụ thể gửi về Tổ điều phối nguồn nhân lực thành phố để hỗ trợ.
Trong ngày 28/8, Trung tâm An sinh TP HCM đã chuyển 115.973 túi an sinh đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn. Lũy kế từ ngày 15/8 đến 29/8, tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức là 960.210 túi. Đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với số tiền hơn 158 tỉ đồng.
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, để đưa gói hỗ trợ tới người dân, Trung tâm An sinh phối hợp với nhà tài trợ và đơn vị cung ứng hàng hóa để phân bổ về địa phương. Song trong quá trình thực hiện một số đơn vị cung ứng hàng do nhân sự thiếu hụt vì có người mắc COVID-19, dẫn đến tình trạng hàng không đủ theo combo làm ảnh hưởng đến tiến độ giao túi an sinh tới người dân.
|
|
Toàn cảnh họp báo chiều ngày 29/8. (Ảnh: Khang Minh) |
“Để khắc phục vấn đề này, Trung tâm An sinh đã hình thành đội shipper tình nguyện, chia xuống phường xã để cùng lực lượng quân sự trao quà kịp thời tới người dân. Cùng đó, tổ chức lực lượng SOS để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp từ người dân thông qua các tổng đài. Tới nay, đã có 6.000 Túi an sinh được gửi qua kênh này”, đại diện Ủy ban MMTTQ Việt Nam TP HCM cho biết thêm.
Trả lời báo chí liên quan đến việc “đi chợ hộ” còn nhiều bất cập, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian đầu công tác triển khai còn lúng túng do việc triển khai một công việc mới, không có sự chuẩn bị từ trước và phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau.
“Vì thực hiện trên một quy mô lớn nên sẽ có những vấn đề bất cập xảy ra. Việc duy trì được nguồn hàng phong phú, dồi dào và đáp ứng yêu cầu như bình thường sẽ rất khó khăn trong lúc này”, ông Phương cho biết.
Phó Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP HCM Phạm Đức Hải cho rằng việc “đi chợ hộ” là việc chưa có tiền lệ, đây là giải pháp mới, là một bài toán đa biến. Với một thành phố có hơn 2 triệu hộ dân, việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người cùng một lúc là rất khó khăn. Thành phố sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng phục vụ người dân. Nếu chưa đáp ứng được mong người dân bình tĩnh, chia sẻ khó khăn với thành phố lúc này.
Ông Hải cũng thông tin thêm về 5 nhiệm vụ chính của quận đội trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: Tuyên truyền vận động người dân; Phối hợp cùng tham gia chốt chặn tuần tra; Phối hợp tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng, sơ cấp cứu; Tham gia cùng các lực lượng vận chuyển các túi an sinh và một số nhiệm vụ khác, trong đó có “đi chợ hộ”./.