Chương trình ý nghĩa này được tổ chức điểm tại huyện Nam Trực với 32 thân nhân của 16 liệt sĩ chưa xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ. 13h30’ mới bắt đầu chương trình nhưng từ rất sớm, thân nhân các liệt sĩ đã có mặt tại trụ sở UBND huyện. Nét mặt ai cũng thể hiện sự mong ngóng, niềm hy vọng tìm được người thân sau mấy chục năm mòn mỏi tìm kiếm. 

Mang theo ảnh của anh trai chụp vào ngày nhập ngũ, bà Ngô Thị Nguyệt, 80 tuổi, đến trụ sở UBND huyện làm thủ tục lấy mẫu ADN, mong tìm được hài cốt của anh - Liệt sĩ Ngô Văn Hạnh hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968. 56 năm qua, gia đình bà đã thực hiện gần 10 chuyến đi tìm mộ nhưng chưa có kết quả. Khi được Công an huyện Nam Trực mời đến tham gia chương trình lấy mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính hài cốt, bà Nguyệt đã khóc vì mừng và xúc động. Trước khi bố, mẹ và 2 em của bà mất, vẫn đau đáu nỗi niềm “tìm được anh Ngô Văn Hạnh và đưa anh về quê hương”.

leftcenterrightdel
 Bà Ngô Thị Nguyệt làm thủ tục lấy mẫu ADN.

Gia đình ông Đặng Văn Mến, 65 tuổi, ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã 8 lần tổ chức vào các tỉnh Tây Nguyên để tìm hài cốt anh trai - Liệt sĩ Đặng Ngọc Chúc. Gia đình ông đã được đồng đội của anh trai mô tả vị trí chôn cất nhưng do sự tàn phá của chiến tranh và thời gian nên sau nhiều lần vào tìm vẫn chưa xác định được vị trí của ngôi mộ. Hôm nay được tham gia lấy mẫu gen (ADN), ông Mến tràn đầy hy vọng sẽ được “đoàn tụ” với anh trai và đưa anh về an nghỉ tại nghĩa trang quê hương. 

leftcenterrightdel
 Người dân kê khai làm thủ tục lấy mẫu ADN.

Niềm hy vọng của bà Nguyệt, của ông Mến cũng là nỗi niềm mong ngóng của 14 gia đình thân nhân liệt sĩ đang có mặt tại UBND huyện Nam Trực. Đằng đẵng mấy chục năm tìm kiếm với nhiều cách nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ.

Hôm nay, niềm hy vọng tưởng đã tắt lại được thắp sáng bằng sự chính xác của khoa học. 32 mẫu gen của thân nhân liệt sĩ được thu nhận và đưa vào ngân hàng gen. Sau đó sẽ được phân tích, đối chiếu, xác thực thông tin với mẫu hài cốt liệt sĩ đã và đang tiếp tục được tìm kiếm, quy tập, lấy mẫu. 

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an hướng dẫn người dân làm thủ tục lấy mẫu ADN.

Chứng kiến niềm mong mỏi của gia đình các liệt sĩ, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an rất xúc động và khẳng định: “Thấu hiểu nỗi niềm đau đáu, day dứt của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính, Bộ Công an quyết tâm xây dựng ngân hàng gen ADN liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thân nhân liệt sĩ. Bộ Công an sẽ triển khai thực hiện thần tốc, chính xác bởi thân nhân liệt sĩ ngày càng thêm tuổi, sức khỏe hao mòn, nếu triển khai chậm sẽ không còn cơ hội nữa”.

Mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ được Bộ Công an phối hợp đơn vị xét nghiệm thu nhận, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế sau đó phân tích, tạo lập và đưa vào lưu trữ tại hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tìm kiếm, quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và đưa vào ngân hàng gen để đối chiếu với mẫu ADN của thân nhân. 

leftcenterrightdel
 Tiến hành lấy mẫu ADN.

Theo Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định: “Một trong những điểm mới của Luật Căn cước là thu nhận thông tin sinh trắc học, gồm cả thu nhận thông tin ADN. Để phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng như thực hiện hành trình “trả danh tính - nối người thân”, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích thông tin ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ. Với kho dữ liệu phổ quát này, việc tìm kiếm và xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây sẽ là cơ hội để gia đình các anh hùng liệt sĩ có thể tìm thấy được các anh”. 

Tại tỉnh Nam Định, sau khi triển khai điểm tại huyện Nam Trực sẽ triển khai chương trình tại các huyện và thành phố Nam Định. Công an tỉnh sẽ phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành rà soát dữ liệu thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt có thể thu mẫu đối sánh; làm sạch thông tin nhân thân liệt sĩ và tạo lập kho dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

leftcenterrightdel
 Người dân được lấy mẫu ADN với hi vọng tìm lại được người thân.

Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định và đưa liệt sĩ về đoàn tụ với thân nhân và quê hương. Hi vọng rằng sau khi ngân hàng gen (ADN) được tạo lập, với sự tận tâm của các ngành, các đơn vị tham gia thực hiện, sự chính xác của khoa học, nhiều anh hùng liệt sĩ sẽ được xác định danh tính, được người thân đón về quê hương. 

Tại chương trình, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Công an tỉnh Nam Định, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và Huyện ủy - UBND huyện Nam Trực đã tặng quà tri ân 32 thân nhân của 16 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Bích Mận - Ngọc Vũ