Buổi hội thảo được tổ chức vào lúc 18h ngày 24/7 với sự tham gia của hai diễn giả: TS Nguyễn Đặng Anh Minh và GS TS Andrew Hardy, đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp.

Nội dung của buổi hội thảo trao đổi hai vấn đề chính: Giới thiệu một số tính chất của người Ba Na trước thời Pháp và Ảnh hưởng những tính chất, quyết định của người Ba Na đến giai đoạn sau.

Nguồn tư liệu chủ yếu được diễn giả Nguyễn Đặng Anh Minh nghiên cứu về lịch sử người Ba Na dựa trên kho tàng sử thi của tộc người này và các tài liệu khi người Pháp đến vùng đất Tây Nguyên kể từ năm 1850.

TS Nguyễn Đặng Anh Minh đã lý giải nguyên nhân về việc người Ba Na không có chữ viết, nêu lên đặc điểm chủ yếu trước thời Pháp thuộc là cuộc chiến không khoan nhượng giữa ba tộc người: Người Ba Na, người Gia Rai, người Xơ Đăng. Chiến lợi phẩm có giá trị nhất thu được sau mỗi cuộc chiến của các tộc người là nô lệ: Mỗi “đầu nô lệ” được coi như đơn vị tiền tệ ngang giá khi trao đổi các loại vật phẩm như voi, trâu, các loại vải may mặc, các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường nhật của cư dân.

Trước sức mạnh chính trị của người Gia Rai, dẫn đến hệ quả đầu tiên là sự di cư hàng loạt các ngôi làng của người Ba Na từ Pleiku di chuyển về hướng Kon Tum. Và một hệ quả lớn hơn nữa của các cuộc chiến tranh, đó là trước sức ép của người Gia Rai và người Xơ Đăng, người Ba Na có nguy cơ bị biến mất hoàn toàn. Đồng thời trong giai đoạn này, vùng đất Tây Nguyên hoàn toàn độc lập chưa hề thuộc về người Việt hay nói cách khác là Nhà Nguyễn thời kỳ đó.

Kể từ năm 1850 trở đi, từ một tộc người đa thần thì nay đời sống tâm tư tình cảm cư dân Ba Na lại chịu ảnh hưởng rất lớn của Thiên chúa giáo do người Pháp truyền tải, lý giải nguyên nhân cải đạo của người Ba Na xuất phát từ nhu cầu mong muốn được bảo vệ tính mạng trước sự xâm lược của người Gia Rai. Đồng thời cuộc chiến tranh giữa hai tộc người là cơ hội thuận lợi cho các Cha xứ ở lại vùng đất Tây Nguyên (tránh sự sát đạo của Nhà Nguyễn) và cũng là điều kiện để người Pháp đi vào thiết lập chính quyền của họ trong lòng lãnh thổ người Ba Na.

Đến năm 1913, chính quyền Pháp đã đồng ý cho Nhà Nguyễn thiết lập Viên Quản Đạo Kon Tum tại vùng lãnh thổ, với hành động này Nhà Nguyễn đã xây dựng được chính quyền của mình trên vùng đất của cư dân Ba Na. Thông qua việc người Ba Na cải đạo dẫn đến các thừa sai thiết lập được cơ sở của mình, trở thành bàn đạp cho chính quyền Pháp, chính quyền người Việt vào vùng đất Tây Nguyên và là cơ sở để năm 1946, người Pháp đã trao lại quyền quản lý khu vực Ba Na cho Nhà Nguyễn.

Lý giải việc chọn vùng đất Tây Nguyên và đặc biệt là người Ba Na cho nghiên cứu của mình, diễn giả Nguyễn Đặng Anh Minh chia sẻ: Do sự định hướng của GS TS Andrew Hardy, ông cũng chính là người thầy theo sát hành trình nghiên cứu của cô trong suốt 11 năm qua, đồng thời khi tiếp nhận các cuốn sách của hai tác giả dân tộc học đầu tiên người Việt là Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi thôi thúc cô nghiên cứu về lịch sử người Bahnar.

Buổi trao đổi diễn ra trong không gian tầng hai của thư viện L’Espace đã thu hút đông đảo sự tham dự của nhiều người quan tâm, từ những bạn trẻ đam mê tìm hiểu về lịch sử các tộc người thiểu số, người đang công tác trong lĩnh vực có liên quan đến những người lớn tuổi đã nghỉ hưu.

Với sự hưởng ứng tích cực từ khán giả, L’Espace hứa hẹn sẽ có thêm nhiều buổi tọa đàm, trao đổi những vấn đề liên quan giữa người Pháp và người Việt trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

leftcenterrightdel
 Thông báo mời tham dự hội thảo. Ảnh: L’Espace .
leftcenterrightdel

    Không gian tầng hai của thư viện L’Espace trước giờ diễn ra hội thảo. Ảnh: Vũ Thủy. 

leftcenterrightdel
 Hai diễn giả: TS Nguyễn Đặng Anh Minh và GS TS Andrew Hardy. Ảnh: Vũ Thủy.

leftcenterrightdel
Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Ảnh: Vũ Thủy. 

leftcenterrightdel

Người tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả về việc cải đạo của người Bahnar. Ảnh: Vũ Thủy.


 

 
Vũ Thủy