Giữa cái nắng của những ngày đầu hè, sau giờ cơm trưa, tại gian bếp nhỏ nhà cô Phạm Thị Minh Chỉ (72 tuổi) mọi người lại bắt đầu tất bật với công việc, người làm nguyên liệu, người nhóm bếp, người chia mì ra hộp…
Chị em phụ nữ các cấp tại TP Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động trong những ngày qua nhằm góp chút sức lực vào công tác phòng, chống dịch của thành phố cũng như chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch. Dù nhỏ bé, nhưng ai cũng mong được đóng góp, chung tay để thành phố nhanh chóng trở lại những ngày tháng bình thường.
Ăn xong bữa trưa, cô Phạm Thị Minh Chỉ (72 tuổi) cùng con dâu nhanh chóng chuẩn bị đồ ăn, thịt, tôm để nấu 60 suất mì Quảng chiều cho lực lượng trực tại các khu phong tỏa.
|
|
Cô Phạm Thị Minh Chỉ cùng với các thành viên trong gia đình chuẩn bị những suất ăn tối cho lực lượng trực tại các khu phong tỏa. (ảnh: LT) |
Ngay sau khi trên địa bàn, TP Đà Nẵng phát hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên ngay lập tức đã được huy động tham gia vào công tác phòng chống dịch. Những người làm nhiệm vụ ở đây thường phải ăn bánh mì, cơm hộp mua ở hàng quán về ăn qua bữa.
Thấu hiểu nỗi vất vả, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường An Hải Đông đã đăng ký thực hiện những suất ăn cho lực lượng trực chốt. Mỗi ngày thực hiện một bữa ăn, tùy điều kiện của từng chi hội. Có khi là những suất bún ăn sáng, hoặc bữa cơm trưa, cơm tối; có ngày là những suất bánh bao, bánh mì, sữa cho ca trực xuyên đêm. Số kinh phí thực hiện được vận động từ các hội viên và các đơn vị.
Là Chi hội phó Chi hội phụ nữ 6A, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), cô Chỉ cũng “chung tay” vào tiếp sức cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
|
|
Điều quan trọng không chỉ ngon mà những suất ăn phải bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh để cung cấp bữa ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu. (ảnh: LT) |
“Cô có nghề nấu mì Quảng nên đã đăng ký làm ngay, từ những lần dịch trước đến nay rồi. Xưa còn trẻ thì mình xung phong đi trước, có hậu phương hỗ trợ phía sau, nay lớn tuổi rồi, không thể đứng trực chốt như các cháu thì mình lại lùi về làm hậu phương, hỗ trợ cho lớp trẻ để cùng chống dịch. Điều quan trọng không chỉ ngon mà những suất ăn phải bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh để cung cấp bữa ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu.
Do dịch bệnh không thể tập trung quá đông người nên chủ yếu huy động cả gia đình cùng vào bếp. Đến 16h, có thêm một số chị em hội viên có mặt phụ cô chia các suất ăn, bỏ vào thùng để kịp vận chuyển đến 12 điểm trực chốt trên toàn phường. ” - cô Minh Chỉ, người cựu chiến binh tâm sự.
|
|
Hỗ trợ suất ăn cho lực lượng trực chốt phong tỏa. (ảnh: LT) |
Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Đông Đinh Thị Sơn Ca cho hay: “Hiện tại chúng tôi đang thực hiện hỗ trợ suất ăn tại 6 khu cách ly với 12 chốt trực, mỗi bữa nấu trung bình 60 suất ăn. Hoạt động của chị em sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi các khu vực trên được dỡ phong tỏa và không có thêm vùng cách ly mới trên địa bàn phường”.
Cùng với nhiều tổ chức, cá nhân khác, những ngày qua, các thành viên trong nhóm Hiếu Hạnh – Chùa Quan Thế Âm đã cùng nhau nấu hàng trăm suất ăn đêm nóng hổi cho lực lượng tại các chốt phong tỏa trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhằm san sẻ bớt một phần nào đó khó khăn của các chiến sĩ trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Để có được những phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, những thành viên trong nhóm tập trung chuẩn bị nguyên liệu nấu vào cuối mỗi buổi chiều. Mỗi suất ăn đều kèm thêm các loại sữa, nước hoa quả được đóng thùng cẩn thận và đảm bảo chất lượng, vệ sinh.
|
|
Các thành viên trong nhóm Hiếu Hạnh – Chùa Quan Thế Âm đã cùng nhau nấu hàng trăm suất ăn đêm nóng hổi cho lực lượng tại các chốt phong tỏa trên địa bàn TP Đà Nẵng. (ảnh: LT) |
Ban đầu, nhóm dự định làm 120 suất/đêm, tuy nhiên, địa bàn TP phát sinh thêm nhiều chốt phong tỏa, nên số lượng suất ăn tăng lên 240 suất/đêm. Với nguồn kinh phí từ việc kinh doanh nhà hàng chay, cùng sự ủng hộ của mạnh thường quân trên cả nước, nhóm có dự định sẽ tăng suất ăn để trao cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong vùng bị cách ly, hỗ trợ thêm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,…
“Thông qua hoạt động này, tôi muốn kêu gọi mọi người “ai ở đâu thì ở yên đó” để công tác phòng dịch trở nên dễ dàng hơn, tuân thủ nghiêm các quyết định của Chính phủ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phương châm của nhóm vẫn như mọi lần là Đà Nẵng không bỏ rơi một ai hết”- Bà Nguyễn Thị Trà Liên - Trưởng nhóm Hiếu Hạnh chùa Quan Thế Âm cho biết.
Anh Trương Hoàng Lộc - chiến sĩ dân quân thường trực phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi cảm thấy những phần quà rất ý nghĩa và ấm áp, xin cảm ơn các bạn tình nguyện viên đã hỗ trợ các anh em trực chốt phong tỏa, có những phần ăn rất đầy đủ chất dinh dưỡng để anh có sức khỏe để hoàn thành đc những nhiệm vụ được giao”.
Kể từ đầu tháng 5 đến nay, dù rất bận rộn việc gia đình nhưng hầu hết các Hội viên Chi hội phụ nữ phường Thuận Phước, quận Hải Châu đã đều đặn tham gia cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu và nấu hơn 200 suất cơm với đầy đủ các món ăn dinh dưỡng và cấp phát tại 7 điểm chốt cách ly và cơ sở y tế trên địa bàn.
|
|
Để có được những phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, những thành viên trong nhóm tập trung chuẩn bị nguyên liệu nấu vào cuối mỗi buổi chiều. (ảnh: LT) |
Còn tại Hội LHPN xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) vừa thực hiện mở hũ gạo tình thương và đập con heo tiết kiệm tại 13/13 chi hội. Với số tiền có được, các chị đã mua và vận động được 475 kg gạo, 370 con gà giống để trao cho 13 chị hội viên nghèo, phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế.
Ngoài ra, 13/13 chi hội của xã Hòa Phong cũng đã tiếp tục phát động phong trào thu gom phế liệu gây quỹ “Ươm mầm trạng nguyên”. Kết quả lũy kế đến thời điểm này là hơn 10 triệu đồng, số tiền này sẽ được sử dụng nhằm động viên con em có thành tích học tập khá giỏi và học sinh nghèo vượt khó hiếu học năm 2021.
Bằng những việc làm thiết thực, dù lớn hay nhỏ, các cấp hội đoàn thể, các các nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng luôn sẵn sàng đồng hành để chia sẻ cùng người dân, cùng thành phố vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.