Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những khâu đột phá đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.

Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, năm 2023, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp cả về thể chế, cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số và đạt kết quả cao trên tất các mặt.

leftcenterrightdel
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thông qua chuyển đổi số là một trong những yếu tố then chốt đưa Thanh Hóa phát triển toàn diện. Ảnh: ĐT

Để hiện thực hóa được những mục tiêu trên, hiện nay Thanh Hóa đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với 27 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố và 558 xã phường. Đến nay toàn tỉnh có 114/558 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%.

Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỷ lệ 98,4%; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn là 615 doanh nghiệp

leftcenterrightdel
Trung tâm Giám sát - điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: SĐ

Cùng với đó, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Tính đến tháng 10/2024 đã công nhận việc hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cho 148 đơn vị cấp xã; đang thẩm định trình công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp huyện cho thị xã Bỉm Sơn.

Kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 10,74%. Việc phát triển kinh tế số đã từng bước thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện các hạ tầng tiện ích, dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh qua nhiều kênh giao tiếp giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ... để mang lại sự hài lòng cho người dân thông qua chuyển đổi số; triển khai nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) cho các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai KIOSK khám, chữa bệnh thông minh...

Một số mô hình chuyển đổi số được triển khai nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được thuận tiện hơn, đơn giản hơn như mô hình làng số, mô hình thôn thông minh phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch, du lịch tâm linh trên địa bàn các huyện; mô hình “Camera Nhân dân với an ninh trật tự” giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông.

leftcenterrightdel
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”.

Cũng theo ông Đỗ Hữu Quyết, chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Vì lẽ đó, chính quyền số luôn được xem là trung tâm của chuyển đổi số để dẫn dắt kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số là bước quan trọng cho việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào trong công tác quản lý và các hoạt động kinh tế - xã hội khác một cách thuận tiện.

Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố cốt lõi giúp chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới./.

Xuân Sơn - Tuấn Anh