Đó là những ghi nhận trên hành trình cứu trợ đồng bào miền Trung đang trong cơn bão lũ của Kiểm sát viên trẻ Bùi Trường Lâm thuộc VKSND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Anh đã ghi lại chuyến công tác với tư cách là người trong cuộc, trực tiếp xuống cứu trợ người dân vùng lũ... Báo Bảo vệ pháp luật xin giới thiệu bài viết này tới bạn đọc.

Trước tình hình mưa lớn, lũ tiếp tục lên cao, diễn biến phức tạp trong những ngày qua, khiến cho an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng lũ tại miền Trung như “ngàn cân treo sợi tóc” . Tại nhiều nơi, những tiếng kêu cứu "xé lòng" đã thôi thúc tôi phải làm gì đó thật có ý nghĩa, nhất là trong thời điểm này.

Tình đồng bào trong bão lũ

Như thường lệ, đến mùa này, người miền Trung quê tôi lại chuẩn bị đồ đạc, phương án để tránh bão. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của những đợt áp thấp nhiệt đới, các cơn bão liên tục đổ bộ vào khúc ruột miền Trung khiến người dân không kịp trở tay, các lực lượng chức năng ứng cứu vất vả...và máu của các chiến sĩ đã đổ, nhiều chiến sĩ đã hi sinh giữa thời bình vì đồng bào.

leftcenterrightdel
Tập kết, phân loại nhu yếu phẩm trước khi đưa vào cứu trợ người dân vùng lũ. 

Sau nhiều đêm mất ngủ do tiếng gió Đông Bắc giật mạnh, thổi âm ầm rít qua từng khe cửa, tiếng mưa rào và giông lớn như ai đó cứ ném đá lên nhà liên hồi làm cho bản thân không thể nào chợp mắt, mất ngủ cộng với những suy nghĩ  nung nấu  phải làm được gì đó cho người dân thân yêu của mình. 

Bản thân là một Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát cấp huyện trên 1 địa bàn có hứng chịu hậu quả của thiên tai, tranh thủ những ngày nghỉ, tôi cùng các bạn mình đăng lời kêu gọi sự ủng hộ đồng bào bảo lụt trên Facebook... Không ngờ, qua đó đã  được nhiều người đồng tình ủng hộ, tuy số tiền không nhiều nhưng chúng tôi thấy vui vì khi hoạn nạn mới hiểu tình đồng bào của người dân đất Việt.

Sau khi kêu gọi, chúng tôi đã quyên góp được hơn 30 triệu đồng. Sáng sớm ngày 19/10/2020, chúng tôi quyết định mua một số loại nhu yếu phẩm như: Mỳ tôm, nước uống, lương khô...trực tiếp đi ứng cứu đối với những nhà dân bị thiệt hại nặng, nước ngập sâu, gia đình có người già và trẻ nhỏ...tại xã Tùng Lộc, Thuần Thiện (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, mọi phương án đều không thành do không có thuyền. Khi liên hệ mượn được thuyền nhỏ thì chở được 2 người và ít nhu yếu phẩm, cộng với nước chảy xiết, lại không có kinh nghiệm nên có thể dễ bị lật thuyền. Khi mượn được thuyền to, có người lái thì lại khó tiếp cận khu dân cư bị ngập sâu trong làng, cộng với việc cơ quan chức năng khuyến cáo các đoàn từ thiện không nên đi vào thời điểm này. Vậy là, công tác thiện nguyện của chúng tôi tạm dừng để chờ thuyền hay thời điểm thích hợp.

Về nhà, liên tục nhận được tin nhắn của cơ quan chức năng, các thông tin từ truyền hình, mạng di động về  tình hình mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, các vùng bị ảnh hưởng, bản thân thấy đau lòng. Hình ảnh nước trắng xóa bao trùm làng quê, thông tin cầu cứu đăng liên tục của bà con vùng rốn lũ các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) và kèm theo đó là những lệnh sơ tán của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt “không có giờ chết” của các lực lượng nhằm cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm người và tài sản một cách an toàn nhất….cứ ám ảnh, thôi thúc tôi.

Do chưa thể đi giúp bà con bị thiệt hại nên tôi lên mạng kịp thời chia sẻ những thông tin liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ, những đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm, những khu vực nguy hiểm do ngập cục bộ nước sâu, ....và nhất là những tiếng kêu cứu xé lòng của bà con nơi rốn lũ để mong cơ quan chức năng có thông tin kịp thời. Vì người dân không thể liên lạc được ra ngoài do điện thoại đã hết pin trong nhiều ngày, phải trú ngụ trên mái nhà nên thiếu nhu yếu phẩm để tồn tại.

Do cập nhật  tình hình liên tục nên tôi đã liên lạc được với các cán bộ đoàn thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ngay vào chiều hôm đó (19/10) khi anh chị em đang kêu gọi góp lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo,… tôi đã nhiệt tình tham gia. Có mặt tại địa điểm thiện nguyện lại làm tôi vô cùng bất ngờ, vì  rất đông người  dân,  đủ mọi lứa tuổi đã có mặt, mỗi người một việc. Chỉ một thời gian ngắn, liên tục những tin nhắn, những cuộc điện thoại gọi đến ủng hộ...Dù chẳng quen biết nhau, nhưng được trưởng đoàn giao nhiệm vụ cùng anh em đi đến các địa điểm quyên góp nhận nhu yếu phẩm, áo quần về địa điểm tập kết,  phân loại.

Trên đường đi, chúng tôi liên tục nhận được những cuộc gọi của Trưởng đoàn, đoàn thiện nguyện đi nhận đồ ủng hộ ở những địa điểm mới. Trong đó, có cuộc gọi  của một người em thân thiết thông báo rằng, vừa kêu gọi được 1.000 chiếc áo phao, 1.000 chiếc đèn pin, 1.000 chai nước khoáng,… đề nghị “anh liên hệ giúp xe để hai anh em cùng vào rốn lũ huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà giao cho chính quyền địa phương”.

Dù trời mưa tầm tã, người ướt đẫm nhưng khi bưng bê những món đồ từ thiện, tôi cảm thấy vui vì tôi hiểu  rằng, bà con vùng lũ đang rất cần, họ đang chờ từng giây phút...19 giờ cùng ngày, công việc tạm gác, giao lại cho nhiều đoàn viên mới đến, phân loại đồ dùng và nhu yếu phẩm.

Ngày mai, công tác thiện nguyện của tôi lại tiếp tục bắt đầu, cũng như nhiều người dân trên đất nước Việt Nam tươi đẹp, đáng sống và đầy ân tình này...

 

leftcenterrightdel
Mỗi người, mỗi việc khẩn trương đều chung một mục đích.

Còn rất nhiều người cần được giúp đỡ

Ngày 20/10, sáng sớm nhận thông tin 1.000 áo phao và 1 thuyền cứu hộ từ Hà Nội chưa đưa vào kịp, tôi liên lạc và chạy xe vào Can Lộc, đi cùng anh em thiện nguyện xuống trao gần 30 suất quà quyên góp được cho gia đình các cụ già, em nhỏ, phụ nữ có thai, có hoàn cảnh khó khăn tại khối 3, thị trấn Nghèn (Can Lộc).

Vào đến nơi, địa điểm chúng tôi chọn là địa bàn giáo xứ Ngô Xá đang ngập lụt ven sông Nghèn.

Sau 1 buổi sáng rong ruổi trên thuyền để đến từng nhà, công việc thiện nguyện trao gần 30 suất quà cùng tiền đã xong thì cũng hơn 13 giờ nên chúng tôi quyết định ra thị trấn Nghèn ăn trưa xong, liền chạy về Hồng Lĩnh để tiếp tục chờ phao tiếp tế từ Hà Nội vào, đồng thời bốc 400 bịch nước (loại chai 1,5 lít) lên xe để đi vào Thạch Hà, Cẩm Xuyên.

leftcenterrightdel
Cứu trợ tại giáo xứ Tân Sơn.

Tại thị xã Hồng Lĩnh, sau khi chúng tôi bốc được nước khoáng lên xe, tiếp tục chờ thuyền cứu hộ, áo phao đưa vào vì có trục trặc trong việc chuyển giao do xe chở thuyền thì họ báo giao ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, còn áo phao xe đã chạy đến UBND huyện Cẩm Xuyên. Đến 18 giờ, đoàn thiện nguyện quyết định lên đường đi vào rốn lũ.

Đến xã Thạch Long (Thạch Hà), thấy thuyền đã được bốc lên 1 chiếc xe tải, hỏi ra mới biết người lái xe chở giúp thuyền cũng là 1 người dân đi thiện nguyện trong những ngày qua. Có mặt trên xe cùng người dân này để đưa xuồng vào huyện Cẩm Xuyên, khi được hỏi “vì sao em  biết mà nhận giúp chở thuyền cho chúng tôi, em nói, thấy anh em chia sẻ nên đến giúp thôi, mấy ngày hôm nay đều như thế rồi”.

Trên đường vào rốn lũ, thật xót xa khi nhìn 2 bên đường là nước bao phủ trắng xóa, điện mất toàn diện, tối mù mịt, chỉ thấy liên tục là nhữnng chiếc xe cứu hộ, xe đi thiện nguyện và xe của các cơ quan Công an, Quân đội,...đi lại chốt chặn tại các nơi trọng yếu.

leftcenterrightdel
Hỗ trợ một người dân có hoàn cảnh neo đơn ngập nước nhiều ngày nay.

Đến khoảng 20 giờ, đoàn chúng tôi có mặt tại UBND huyện Cẩm Xuyên, ăn vội bữa cơm tại nhà khách của huyện, rồi tiếp tục ra chuyển hàng xuống xe, đi nhận áo phao. 

Chứng kiến tại đây, đoàn chúng tôi thấy những xe hàng cứu trợ đến, cũng không đáp ứng đủ được cho những chuyến xe nhận hàng xin tiếp viện của xã. Tận mắt thấy những xe chở mỳ tôm, lương khô, xe nào đến ủng hộ tại UBND huyện  đều hết xe đó, nước uống phát ra nhỏ giọt do thiếu, áo phao thì thiếu vô cùng, người đi cứu hộ cùng đoàn cũng không có mặc, điện mất toàn diện nên đèn pin dùng theo kiểu chia ra bật dùng, áo quần, chăn không có đắp , người dân bị ướt và rét rất nhiều,....Qua trao đổi, cán bộ phụ trách trực tiếp ở địa phương cho biết, hiện rất thiếu những nhu yếu phẩm nên rất cần sự ủng hộ ngay.

Sau khi giao nhận nhu yếu phẩm cho 2 xã đến xin ứng cứu, chúng tôi trên đường đưa nước, áo phao và thuyền ra cho xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên). Trên đường đi, chúng tôi lại nhận được điện thoại của người dân nhờ ứng cứu 2 hộ dân có 8 người, trong đó có 2 em nhỏ đang mặc kẹt nhiều ngày nay tại thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên).

Sau khi chuyển hàng, nhu yếu phẩm xuống cho bà con giáo xứ Ngô Xá (xã Cẩm Quang), chúng tôi nhanh chóng liên lạc cùng chính quyền xã Cẩm Thành, cùng đội thuyền (có đội thuyền nhận lái giúp, chở thuyền đi trước) theo hướng người kêu gọi cùng chính quyền nhằm trợ giúp những người bị nạn.

Chiếc xe Hoàng Huy 8 tấn, chạy được 500m đi qua cổng làng xã Cẩm Thành thì chết máy do xe hết ắc quy nên phải dừng lại. Phương án đưa ra là sẽ chuyển thuyền cùng hàng cứu trợ, thêm 1 chiếc thuyền phao của anh em giáo xứ cùng các thành viên đoàn vào gặp chính quyền xã để đi tìm nhà bị nạn. Tuy nhiên, thông tin chắp ghép, ít ỏi từ những tin nhắn nên sau 1 giờ đồng hồ, đoàn đi ra không có kết quả vì bên trong sâu là một biển nước trắng xóa.

leftcenterrightdel
Trao hàng cứu trợ cho một thai phụ.  

Vừa ra đến nơi, một người trong đoàn chúng tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông nhờ cứu giúp gia đình (2 bố mẹ già, vợ và con nhỏ 7 tháng tuổi) đưa ra khỏi vùng ngập lụt tại Cẩm Thành. Lúc này, đã 00:30 giờ của ngày hôm sau, chúng tôi quyết định 1 tốp đi cùng chính quyền tiếp tục cứu dân, một tốp ở lại gọi cứu hộ sửa xe. 

Đến 1 giờ 33 phút, sau nhiều lần, xe của đoàn thiện nguyện khác vào cứu giúp không thành, 1 chiếc xe cứu hộ khác có mặt cứu giúp, sau 2 lần hỗ trợ 1 lần do xe lùi được 500 m thì chết máy, chúng tôi lại phải gọi anh ...và câu trả lời rất nhanh gọn "Ok, chờ anh". Nhưng, lần thứ 2 đã thất bại vì xe hỏng nặng, người đàn ông một mình quay xe ra về TP Hà Tĩnh liên tiếp 2 lần không nhận tiền cứu hộ của chúng tôi vì chung một lý do “tôi cũng như anh em đang đi tình nguyện”. Lúc này, đồng hồ đã chuyển sang 2giờ10 sáng ngày 20/10.

leftcenterrightdel
Hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn. 

Đang trên xe thì anh em tuyến thứ 2 báo về đã đưa được gia đình kia đến chỗ an toàn, đang về nơi xe bị hư hỏng. Tại đây, chúng tôi chia ra 1 tốp về nhà người dân gần đó ngủ, một tốp ở lại trông xe, đồ tiếp tế. 

Tôi được phân công ở lại trên xe và một đêm thức trắng, lúc này, tôi mới cảm nhận cái đói, cái rét là như thế nào. 

Nằm trên xe mà 2 chân rung cầm cập cả đêm, một phần do quần áo ướt sủng, nước ngấm vào cơ thể, một phần do gió lùa rít qua từng khe nhỏ. Thức và nghĩ, hiện giờ, còn rất nhiều người đang đói, khát, rét hơn mình ở vùng rốn lũ này...Họ đã sống rất nhiều ngày như thế vì đoàn cứu hộ chưa tìm ra hay chưa tiếp cận được.

5 giờ 30 phút, sau khi húp vội bát mỳ tôm cho ấm lòng, chúng tôi lại tiếp tục lên đường giúp dân vì có một số đoàn thiện nguyện khác liên lạc đưa nhu yếu phẩm vào vùng rốn lũ, và vì rất nhiều người dân đang cần giúp đỡ….                                                                                                                                                                          (Cẩm Xuyên, sáng 21/10)

 


 
Bùi Trường Lâm, VKSND huyện Can Lộc