Từ ngày 6/10 đến nay, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 600-1.500 mm, một số nơi trên 1.200 mm như Bạch Mã 1.697 mm, A Lưới 1.566 mm, Hướng Linh 1.445 mm…
Mưa lớn khiến cho mực nước trên các sông lên rất nhanh, gây ra đợt lũ diện rộng từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, lũ đạt đỉnh phổ biến ở báo động 2. Đặc biệt, lũ trên sông Hiếu ở Quảng Trị, sông Bồ ở Thừa Thiên Huế đã vượt đỉnh lũ lịch sử, nhiều khu vực xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét, nhiều khu vực ngập sâu trong nước.
Tính đến 5 giờ sáng 10/10, mực nước các hồ thủy điện (tại Quảng Nam, thượng nguồn các sông của Đà Nẵng) như sau: A Vương 369,90/370m; Đakmi4:250,44/251,5m; Sông Bung 4: 217,98/216m. Các hồ thủy điện bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mực nước về dưới mực nước đón lũ.
Mưa lũ đã gây những thiệt hại ban đầu cho người và tài sản tại TP Đà Nẵng. Hiện có 4 tàu bị nạn. Trong đó, 3 tàu bị chìm gồm có các tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Các thuyền viên trên tàu đều đã vào bờ an toàn (2 người đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng, sức khỏe ổn định). Riêng ĐNa 90988-TS hiện đang mất tích, trên tàu có 2 lao động.
Hiện có 3 người dân đang bị mất tích (2 người của tàu ĐNa 90988-TS và người người tại Hòa Khương), 3 nhà dân bị tốc mái.
Tại các quận, một số tuyến đường ngập cục bộ. Các quận huyện đã sơ tán, di dời 733 người. Riêng huyện Hòa Vang, có 9/11 xã có số thôn ngập lũ, chủ yếu ở vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông, 1118 hộ/3.963 nhân khẩu bị ngập.
Dự báo những ngày tới mưa rất to trên diện rộng tại các tỉnh Trung bộ sẽ còn kéo dài do áp thấp nhiệt đới đang tiến gần vào đất liền. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ “bão chồng lũ”.
|
|
Dự báo những ngày tới mưa rất to trên diện rộng tại các tỉnh Trung bộ sẽ còn kéo dài do áp thấp nhiệt đới đang tiến gần vào đất liền. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ “bão chồng lũ”. |
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công điện yêu cầu các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản. Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối.
Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện, trang thiết bị, cứu hộ, cứu nạn, chủ động hỏi thăm các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, khẩn trương di dời các tàu chở dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong khoảng 10 ngày tới, từ ngày 11-20/10 có khả năng xuất hiện 3 áp thấp nhiệt đới/bão (hiện có 1 thấp đã hình thành và đang hoạt động trên biển Đông).
Cụ thể, từ ngày 12-13/10 sẽ xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới này di chuyển về phía Vịnh Bắc Bộ, sau đó gặp không khí lạnh dự báo xuất hiện ngày 14-15/10 gây mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cùng với đó, ngày 16-17/10 có khả năng xuất hiện thêm 1 áp thấp nhiệt đới nữa, áp thấp nhiệt đới này tiếp tục kết hợp với không khí lạnh dự báo xuất hiện ngày 17-18/10 và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới khu vực miền Trung, do đó mưa lũ khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp.