Theo tìm hiểu những hộ dân nói trên đang sử dụng dịch vụ của Nhà máy sản xuất và cấp nước An Bình (Nhà máy nước An Bình), xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá). Dự án nước sạch được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận đầu tư năm 2015 và điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2018; với mục tiêu sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân 9 xã thuộc huyện Quảng Xương, với quy mô công suất 10.000m³/ngày đêm. Dự án khởi công tháng 5/2016 và hoàn thành tháng 3/2018. 

Bỏ tiền mua nước sạch nhưng phải chắt chiu dùng nước mưa

Chị Nguyễn Thị Huệ, trú tại thôn Phú Ninh, xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương), 41 tuổi bức xúc: "Vài năm trở lại đây, xóm tôi phải sống trong tình trạng mất nước liên tục; như nhà tôi nằm ở cuối nguồn phạm vi cấp nước của Nhà máy nước An Bình nên một tháng có 30 ngày thì đến 20 ngày mất nước, tình trạng này diễn ra mấy năm nay rồi."

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Huệ, trú tại thôn Phú Ninh mở quán bán phở nhưng thiếu nước nên rất khó khăn trong cuộc sống.

"Gia đình tôi đầu tư lắp đặt ban đầu cũng mất 6-7 triệu đồng để mua nước sạch của công ty nhưng rất khó chịu, vì buôn bán đồ ăn sáng nên càng trở nên bất tiện. Khi có nước phải tích trữ vào mấy tét nước nhưng cũng không được nhiều nên phải dùng tiết kiệm. Ngoài nguồn nước máy ít ỏi này, tôi còn phải tận dụng nhiều nguồn nước khác như nước mưa hoặc phải mua nước sạch từ nơi khác chở đến. Lượng nước này cũng dè dặt dùng cho việc ăn uống, nấu nướng, bán hàng; Còn rửa bát, giặt giũ thì phải dùng nước giếng khơi tại ngôi đền đối diện", chị Huệ chia sẻ thêm.

Tương tự chị Huệ, bà Hoàng Thị Quý, 75 tuổi, trú cùng thôn, chia sẻ: "Thời gian qua, gia đình tôi phải sống trong cảnh thiếu nước sạch; tôi đã phải mua bình tét 5-6 triệu bạc để trữ nước mưa. Lúc không còn nước để dùng, gia đình tôi đành phải sử dụng nước giếng khơi một cách bất đắc dĩ, vì nước giếng này đã bị ô nhiễm nặng nề. Không chỉ thiếu nước, chúng tôi còn nhận thấy, nước của nhà máy cung cấp cũng không đảm bảo. Tét nước tôi thuê người chùi rửa cứ một tuần lại có hiện tượng lắng cặn đen xì ở đáy bình nước. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vấn đề nước sạch cho bà con đỡ khổ."

leftcenterrightdel
 Bà Hoàng Thị Quý, 75 tuổi, lo lắng cho sức khoẻ của cả nhà khi không được dùng nguồn nước đảm bảo vệ sinh.

Có mặt tại thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, phóng viên ghi nhận tình trạng trên cũng xảy ra ở địa bàn thôn này. Bà con ở đây phàn nàn, nước là thứ tối thiểu nhất trong cuộc sống mà giờ không có nên rất vất vả. Năm 2020, nhà máy nước có ký hợp đồng mua bán nước sạch với các hộ dân, số tiền đóng ban đầu mỗi hộ tối thiểu 4-5 triệu đồng. Ngoài ra, tiền đóng sử dụng nước hàng tháng đều đúng hạn, đầy đủ nhưng nước dùng ở mức tối thiểu cũng không đủ trong nhiều tháng, nhiều năm nay. Người dân không có nước để ăn uống, chứ chưa nói đến tắm giặt và sinh hoạt khác. Họ vô cùng khổ sở và bức xúc, trong khi địa phương chỉ cách thành phố chưa đến 10km mà phải chịu cảnh thiếu nước sạch như thời gian qua.

Ông cao Xuân Tuấn, Trưởng thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên cho biết: Hiện nay, nhân dân thôn Yên Cảnh đang sử dụng nguồn nước sạch từ Công ty cấp nước An Bình; nhưng trên thực tế đường ống quá dài, không đảm bảo được nước cho nhân dân sinh hoạt. Việc mất nước thường xuyên xảy ra, bình độ lại quá cao. Hiện tại, trong thôn có 59 hộ gia đình đang sử dụng nước của công ty. Mặc dù nhân dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Đáng nói hơn nữa là, có những thời điểm nước của công ty cấp về đục như bùn, khiến người sử dụng không yên tâm.

leftcenterrightdel
Ông Cao Xuân Tuấn, Trưởng thôn Yên Cảnh, xã Quảng Yên, chia sẻ với phóng viên.
 

Cần sớm giải quyết, cấp nước sạch cho dân 

Theo đại diện UBND xã Quảng Yên: Riêng thôn Yên Cảnh có khoảng 170 hộ sử dụng nước của Nhà máy nước An Bình, trong đó có 59 hộ bên bờ sông Lý rất khó khăn về nguồn nước, người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã và đề nghị được sử dụng nước từ Nhà máy nước Mật Sơn (do Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa quản lý). Nguyên nhân dẫn đến lượng nước sạch nhiều thời điểm không có, theo UBND xã là xảy ra vào những lúc mất điện, nhất là vào mùa hè. Bên cạnh đó, việc các dự án thi công trên địa bàn làm hư hỏng đường ống chính cũng đã ảnh hưởng đến việc cấp nước của Nhà máy,... Công ty An Bình đã có nhiều giải pháp trước mắt để khắc phục, tuy nhiên, chưa có giải pháp lâu dài nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết: Xã đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của bà con nhân dân địa phương về chất lượng nguồn nước sinh hoạt do Nhà máy nước An Bình cung cấp từ năm ngoái. Chính quyền địa phương cũng đã làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng của huyện Quảng Xương giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Chu Đức Khương, Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương cho biết: "Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được phản ánh của người dân một số xã như Quảng Văn, Quảng Ngọc (huyện Quảng Xương) về tình trạng nước của Nhà máy An Bình cung cấp có gợn đục. Chúng tôi cũng đã phối hợp và tiến hành kiểm tra, bằng mắt thường ghi nhận thấy, vào lúc kiệt nước, sau đó xả thì có hiện tượng như bà con phản ánh. Còn về tình trạng mất nước như phóng viên thông tin tại xã Quảng Yên thì chúng tôi chưa nhận được. Chúng tôi tiếp thu ý kiến, sau đó kiểm tra và sẽ thông tin lại."

leftcenterrightdel
 Bà con phản ánh tình trạng nước của nhà may cấp có biểu hiện vẩn đục, lắng cặn.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, để xảy ra tồn tại trên, trách nhiệm chính thuộc về Nhà máy nước An Bình; công tác quản lý, vận hành khai thác của nhà máy còn nhiều hạn chế. Đồng thời, nhà máy chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân trong quá trình vận hành, khai thác; chưa thực hiện lập và phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định. Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và phối hợp của UBND huyện Quảng Xương và UBND xã Quảng Yên trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn đã làm ảnh hưởng đến tuyến đường cấp nước. 

Được biết, không chỉ người dân tại xã Quảng Yên bức xúc về chất lượng nguồn nước sạch mà người dân tại các xã lân cận như: Quảng Phúc, Quảng Văn, Quảng Long, Quảng Ngọc… cũng xảy ra sự cố tương tự. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và các địa phương cũng đã phản ánh đến Nhà máy nước An Bình, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Việc bỏ tiền ra để mua nước sạch mà vẫn không có nước sạch sử dụng theo đúng nghĩa, khiến bà con bức xúc là điều dễ hiểu. Để giải quyết vấn đề này, người dân đã nhiều lần lên tiếng, trong thời gian dài, yêu cầu giải trình từ nhà cung cấp dịch vụ nước sạch và các cơ quan có thẩm quyền nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Chính vì vậy, bà con mong mỏi sự can thiệp dứt điểm, có hiệu quả từ phía chính quyền để giải quyết những bất cập trên một cách triệt để.

Đinh Huê