UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 2/5/2024 về triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024.

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu là: Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa ngay từ địa bàn cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới; ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.

Kế hoạch cũng nêu rõ một số chỉ tiêu công tác cơ bản gồm: Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỉ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.

Tỉ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.

Kế hoạch cũng nêu rõ nhiệm vụ và phân công thực hiện trên các mặt như: Công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai; công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Trong đó, đối với công tác phòng ngừa nghiệp vụ, lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Hình sự tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của ngành về công tác nghiệp vụ cơ bản phòng chống mua bán người, nhất là tổ chức điều tra cơ bản lĩnh vực xuyên suốt phòng, chống mua bán người theo các chỉ tiêu đề ra.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà giả định tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người. (Ảnh minh hoạ)

Xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ để nắm tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng riêng theo phương châm "lấy phòng ngừa làm trọng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và chủ động tấn công, đánh trúng, đánh đúng, đánh vào gốc các loại tội phạm mua bán người". 

Đồng thời, rà soát các đường dây, băng, nhóm, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự, môi giới, cò mồi và nghi vấn hoạt động mua bán người; các trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày, lấy chồng nước ngoài, có con lai về thăm nạn nhân; số nạn nhân trở về địa phương; đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn “nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên”; tăng cường thu thập thông tin các hội, nhóm, đường dây trên “không gian mạng” liên quan đến tội phạm mua bán người; chú trọng phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động.

Đáng chú ý, trong công tác đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, Công an Thành phố, VKSND, TAND Thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDT ngày 29/11/2021; công tác điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, phòng chống sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Thường xuyên sơ, tổng kết các chuyên án, vụ án mua bán người điển hình để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn Thành phố từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 30/9/2024 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/TP. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người (đặc biệt là mua bán người trong nội địa), mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động. Không để hình thành các đường dây, ổ nhóm tội phạm lớn về mua bán người.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc. Làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết xét xử.

Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, thống nhất xác định các vụ án điểm, được dư luận xã hội quan tâm để tập trung điều tra, truy tố, nhanh chóng đưa ra xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và răn đe phòng ngừa chung, trong đó tập trung vào các vụ mua bán người trong nội địa, mua bán người có yếu tố nước ngoài, mua bán người dưới 16 tuổi.

Đồng thời, tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan tới tội phạm mua bán người, làm cơ sở, căn cứ kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về Tội mua bán người và Điều 152 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi, Bộ luật Hình sự.

P.V