Kết quả điều tra đến nay xác định, đối tượng Phạm Hùng Mạnh (SN 1971, trú tại tổ Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Havico (Công ty Havico) có trụ sở tại số 100 đường Lê Hoàn, phường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã lập hồ sơ giả cho 37 cá nhân là phụ nữ có thai không phải là người lao động (NLĐ) của Công ty để được đóng BHXH. Với mục đích khi họ sinh con được hưởng các chế độ BHXH và trợ cấp thất nghiệp do cơ quan BHXH chi trả, hậu quả là các cá nhân chiếm đoạt tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền là gần 4 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam nhận định: Bản thân Phạm Hùng Mạnh, Giám đốc Công ty Havico là một đối tượng có trình độ và rất am hiểu, nghiên cứu rất kỹ về các quy định, quy trình, chính sách BHXH nên khi thiết lập các hồ sơ giả để chuyển cho cơ quan BHXH rất chặt chẽ.

leftcenterrightdel
 BHXH tỉnh Hà Nam chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện điều tra. Ảnh Tạp chí BHXH

Công ty Havico có quy mô số lao động tham gia BHXH không lớn nhưng nhiều người được hưởng chế độ BHXH; nhiều trường hợp thời gian đóng BHXH chỉ từ 6-8 tháng trước khi sinh con, sau khi nhận tiền bảo hiểm thai sản và trợ cấp thất nghiệp xong thì chấm dứt đóng BHXH. Cùng với đó, mặt bằng chung về lương của nhân viên cao, do các đối tượng đã khai khống lương lên để được hưởng chế độ cao hơn…

Tại cơ quan Công an, Phạm Hùng Mạnh- Giám đốc Công ty Havico khai nhận đã cấu kết lập khống hợp đồng lao động, khai khống bảng lương, bảng chấm công, thông đồng với 37 phụ nữ mang thai hợp thức hóa hồ sơ tham gia đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ bảo hiểm, dù những người này không phải là NLĐ của Công ty.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố 38 bị can (37 bị can là NLĐ nữ hưởng chế độ thai sản, 1 bị can là Giám đốc Công ty Havico). Trong số này, 28 bị can đã nộp lại số tiền gần 2 tỉ đồng trên tổng số gần 4 tỉ đồng chiếm đoạt của quỹ BHXH.

Ông Trần Mạnh Toàn- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam cho biết: “Đây là vụ việc cố tình vi phạm pháp luật về BHXH. Hành vi gian lận trục lợi quỹ BHXH của Công ty Havico là hết sức tinh vi và rất khó phát hiện. Qua rà soát hồ sơ thanh toán, phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hành vi gian lận, trục lợi quỹ, ngay từ tháng 9/2023 BHXH tỉnh đã chủ động đề nghị Công an tỉnh Hà Nam phối hợp điều tra xác minh theo đúng Kế hoạch phối hợp giữa BHXH tỉnh và Công an tỉnh Hà Nam và chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện điều tra.

Cùng với đó chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát hồ sơ giải quyết chi trả các chế độ BHXH. Việc giải quyết các chế độ cho NLĐ phải đảm bảo yêu cầu về cải cách TTHC và vẫn phải đảm bảo chi trả kịp thời, chính xác, đúng người, đúng chế độ. Qua rà soát nếu có phát hiện các trường hợp tương tự thì chuyển sang cơ quan Công an điều tra, xác minh theo quy chế phối hợp.

leftcenterrightdel
 Công an tỉnh Hà Nam và BHXH tỉnh Hà Nam ký kết Kế hoạch Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN.

Cũng theo Lãnh đạo BHXH tỉnh Hà Nam, nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và người dân; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đặc biệt là cơ quan điều tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Theo đó, các cơ quan cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân, NLĐ, chủ sử dụng lao động hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHXH, tránh vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT. BHXH tỉnh Hà Nam cũng đề nghị các ngành Công an; Thuế; Y tế; LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh rà soát, chia sẻ dữ liệu, tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia BHXH bắt buộc được nhận khi NLĐ hoặc vợ của NLĐ mang thai, sinh con. Chế độ nhằm bảo đảm, hỗ trợ một phần thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Việc trục lợi BHXH, BHYT dưới bất cứ hình thức nào cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; đi ngược lại với mục tiêu, làm giảm ý nghĩa nhân văn về chính sách an sinh xã hội. Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi trục lợi là cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.

Điều 214, Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức phạt tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHXH từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp sau: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền BHXH từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 5 năm đến 10 năm đối với các trường hợp chiếm đoạt tiền BHXH từ 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Xuân Bách