Đây là nội dung được đề cập tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo và đang được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, quán triệt tinh thần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng vào pháp luật, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng theo đánh giá tại Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xuất phát từ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn thực hiện thì việc ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp theo hình thức 1 nghị định sửa nhiều nghị định là cần thiết.

Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm tiếp tục  thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác cán bộ; giải quyết dứt điểm các khó khăn, tồn tại từ thực tiễn thực hiện; bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn việc thực hiện quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định gồm: Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào pháp luật, trong đó chú trọng quan điểm phân cấp, phân quyền, chủ trương liên thông trong công tác cán bộ;

Bên cạnh đó, thực hiện cải cách hành chính, rà soát thu gọn quy trình, thủ tục trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ; bảo đảm tính thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, rà soát đầy đủ để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện; kế thừa các quy định hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định có liên quan.

Về bố cục, dự thảo gồm 7 Điều, trong đó 6 Điều sửa đổi các Nghị định và 1 Điều thi hành. Cụ thể, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 3: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Điều 4: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Điều 5: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 6: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.

Trong đó, tại Điều 2 dự thảo Nghị định quy định, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính, trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức hiện đang đảm nhiệm.

Ngoài ra, không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

P.V