Thông tin tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cho biết đến thời điểm hiện tại công tác phòng chống lụt bão đối với các tàu trong bờ đã đảm bảo.
Hiện tại, TP Đà Nẵng còn 39 tàu đang hoạt động trên vùng biển ảnh hưởng của bão. Trong đó, 7 tàu gần bờ, các tàu còn lại đã liên lạc được và được hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm vào khu vực tránh trú bão an toàn. Đối với các tàu công suất nhỏ thì các đồn biên phòng dọc biển sẽ hỗ trợ ngư dân đưa tàu vào bờ. Các lồng bè trên biển (trước đây có 800 cái) đã được di dời hết lên bờ.
|
|
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại cảng cá Thọ Quang. (Ảnh: LT) |
Đến chiều ngày 25/9, đã có 696 tàu về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (gồm Đà Nẵng 276 phương tiện, Quảng Ngãi 256 phương tiện, Quảng Bình 6 phương tiện, Thừa Thiên Huế 80 phương tiện, Bình Định 56 phương tiện, Quảng Nam 11 phương tiện). TP Đà Nẵng cũng đã hoàn thành công tác thu hoạch lúa vụ Hè Thu, đã cắt tỉa gần 50.000 cây xanh.
Thông tin tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết ngoài đảm bảo an toàn cho các tàu cá, TP Đà Nẵng cũng đã hoàn thành việc di dời các tàu chở dầu ra khỏi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang di chuyển đến nơi neo đậu an toàn, đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, ở các vùng nguy hiểm, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, thành phố đã có các phương án di dân đến nơi an toàn, đã bố trí các địa điểm, lương thực để cho người dân sơ tán.
Đại diện Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết kinh nghiệm từ việc ứng phó với các cơn bão trước đây cho thấy việc kêu gọi người dân từ tàu thuyền lên bờ luôn là một khó khăn. Bởi tâm lý của người dân là luôn gắn liền với tài sản. Vì vậy, lực lượng bộ đội biên phòng đang tiếp tục kêu gọi người dân lên bờ. Nếu trước khi bão vào 1 giờ đồng hồ người dân nào còn chưa lên bờ thì lực lượng chức năng phải khống chế lên bờ. Thành phố cũng đã sẵn sàng triển khai các các phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước.
|
|
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra thông tin tàu cá còn trên biển tại phòng giám sát hành trình tàu cá. (Ảnh: LT) |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan chỉ đạo ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai TP Đà Nẵng sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông. Tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, rà soát các phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu ven biển quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu, các vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện Hòa Vang.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 4 là một cơn bão rất mạnh. Dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai chiều ngày 25/9 cho biết, đến thời điểm hiện tại các tỉnh miền Trung đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu/300.128 lao động. Trong 24h tới, cần phải kêu gọi 127 tàu cá trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1 tàu, Phú Yên 2 tàu).
Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với 213.914 hộ/868.230 người. Trong đó, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.