Cuộc kiếm tìm trong vô vọng

Đã bước sang những ngày cuối cùng của tháng Tư nhưng thời tiết ở Hà Nội vẫn đỏng đảnh một cách kỳ lạ. Đợt gió mùa đem theo mưa và chút hơi lạnh len lỏi vào từng góc phố vắng vẻ, đìu hiu từ ngày dịch COVID-19 bùng phát. Trong ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng ở phố Lê Trọng Tấn, tôi ngồi trò chuyện cùng ông Đào Mạnh Ngân, nguyên Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Điện Biên.

Ông quê Thanh Hóa nhưng tròn nửa thế kỷ lại gắn bó với vùng biên viễn Điện Biên Phủ. “Gia đình tôi cũng không nghĩ rằng có ngày tìm được em trai mình trong hàng trăm ngàn liệt sĩ mất tích hoặc chưa rõ tên, đang nằm rải rác đâu đó trên khắp mảnh đất hình chữ S thấm đẫm mồ hôi, xương máu các thế hệ người Việt Nam”, ông bắt đầu câu chuyện xúc động bằng những lời nghèn nghẹn. Đôi mắt của người đàn ông 73 tuổi nhưng có đến mấy chục năm đi tìm em trai hy sinh, thoáng mờ sương khói, chất chứa bao nỗi niềm riêng…

leftcenterrightdel
 Giấy báo tử liệt sĩ Đào Mạnh Diêm.

Em trai ông Ngân là Đào Mạnh Diêm, sinh năm 1953. Năm 1972 vừa tốt nghiệp cấp ba (THPT), có giấy báo nhập học Đại học sư phạm nhưng cậu thanh niên đẹp trai, thư sinh vẫn giấu bố mẹ viết đơn tình nguyện lên đường đánh giặc. Nhà có 4 anh chị em, Diêm là thứ ba. Khi anh lên đường nhập ngũ, anh trai (ông Ngân) đang công tác ở Tây Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện ở Nga Sơn, Thanh Hóa, đơn vị của Đào Mạnh Diêm bí mật chuyển quân vào chiến trường và gia đình cũng không nhận được bất cứ thông tin gì cho đến đầu năm 1973 thì có giấy báo tử vỏn vẹn mấy dòng: “Binh nhất Đào Mạnh Diêm, đơn vị C7-D2-K16, hy sinh ngày 26/8/1972 tại Mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận”. 

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Đào Mạnh Ngân bắt đầu công cuộc tìm kiếm người em hy sinh, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, ông lại công tác xa nhà nên không thu thập được nhiều thông tin. Cuối năm 1979, trong khi chiến sự biên giới phía Bắc đang hết sức phức tạp, ông Ngân vẫn quyết định về Thanh Hóa đưa bố mẹ lên Điện Biên để tiện bề chăm sóc và bắt đầu tập trung tìm kiếm em trai.

“Hành trình tìm kiếm của gia đình tôi vô cùng khó khăn, tưởng như vô vọng vì thông tin về em rất mờ nhạt. Các đơn vị trong chiến tranh thay đổi, xóa phiên hiệu, hồ sơ gốc thất lạc. Xã có 6 người cùng nhập ngũ một đợt với em trai tôi thì 4 người hy sinh, những người còn lại sau khi huấn luyện đều chuyển đơn vị khác nên thông tin về em không khác gì mò kim đáy bể”, ông Ngân ngậm ngùi chia sẻ về những gian nan đầu tiên trong hành trình tìm kiếm người em trai hy sinh.

leftcenterrightdel
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào có hơn 11.000 ngôi mộ, nhưng hơn 7.000 mộ chưa biết tên. 

Năm 1999, ông Đào Mạnh Ngân tham gia công tác Tổng điều tra dân số toàn quốc nên quen biết nhiều cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng. Ông lên Cục Quân lực, Cục Chính sách để tìm hiểu về phiên hiệu đơn vị K16 (ghi trong giấy báo tử của em trai) nhưng đều không rõ với lý do trong chiến tranh các mật danh đơn vị đổi tên liên tục để đảm bảo bí mật.

Ông Ngân quay lại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm kiếm những người quê Hậu Lộc nhập ngũ năm 1972 để hỏi thăm nhưng cũng vô vọng. Mùa Hè năm 2002, có người làng viết thư lên Điện Biên báo tin nhìn thấy tên liệt sĩ Đào Mạnh Diêm ở Nghĩa trang Trường Sơn, ông vô cùng mừng rỡ thuê xe đưa gia đình (cả vợ chồng người con trai cả vừa kết hôn) vào trong Quảng Trị. Nhưng mất gần 1 tuần kiếm tìm cũng không thấy tên liệt sĩ Diêm trong Nghĩa trang Trường Sơn và các nghĩa trang quanh vùng.

“Chuyến đi ấy tuy không tìm thấy mộ em trai nhưng gia đình tôi sau đó cũng đón tin vui. Đầu năm sau, tôi có cháu nội và gia đình quyết định đặt tên cháu là Trường Sơn để nhớ chuyến hành trình nhiều kỷ niệm đáng nhớ ấy…”, ông Ngân vui vẻ cho biết.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, sau nhiều năm mong ngóng đợi tin người con trai hy sinh, bố ông - thầy giáo già Đào Mạnh Yêm không thể chờ được nữa đã qua đời. Phút lâm chung, ông nắm lấy tay bố hứa sẽ bằng mọi cách tìm được em trai. Nhưng rồi 10 năm sau, dù đã đi nhiều nơi, “đào xới” nhiều nguồn tài liệu, gặp gỡ cả trăm con người, ông vẫn chưa thực hiện được lời hứa kể cả khi mẹ ông, tiếp đó là chị gái nhắm mắt xuôi tay. Sau nhiều mất mát liên tiếp ập đến, ông bảo cũng đã có lúc tuyệt vọng, có đêm không ngủ, ông cảm thán 2 câu thơ trong cuốn sổ “Nhật ký tìm em”: “Nỗi đau chồng chất nỗi đau/Nỗi đau bầm dập nát nhàu con tim…’’.

leftcenterrightdel
Ông Đào Mạnh Ngân và gia đình bên mộ em trai - liệt sĩ Đào Mạnh Diêm. 

Sau khi bố mẹ và người chị gái qua đời, ông và em gái út tiếp tục công cuộc tìm kiếm, hàng năm cứ được nghỉ phép là ông lại lên đường. Ông đặt chân đến hầu hết các nghĩa trang từ Quảng Bình vào các tỉnh trong Nam, hy vọng tìm thấy một cái tên “Đào Mạnh Diêm” nhưng đều vô vọng.

Khoảng thời gian này, trong một chuyến công tác, ông tình cờ gặp được một cựu chiến binh (CCB) quê Thanh Hóa. Người này cung cấp thông tin có giá trị là năm 1972, CCB này tham gia huấn luyện ở Nga Sơn trong biên chế Tiểu đoàn 619, Sư đoàn 338. Sau đó Tiểu đoàn 619 tách thành hai, một phần thuộc trong quân số Sư đoàn 308 vào Nam chiến đấu, số khác chuyển sang Sư đoàn 866 và 316 chiến đấu ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Ông Ngân tìm đến nhà Thiếu tướng Trần Thụ, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 (nguyên Chính ủy Sư đoàn 866) để tìm kiếm thông tin nhưng cũng không thu thập được manh mối về người em.

Cầm chén nước đã nguội ngắt trên tay, ông Ngân trải lòng: “Khi mẹ tôi còn sống bà kể nhiều đêm thấy hình ảnh con trai về gọi cửa. Khi bà hỏi con ở đâu, thì em tôi nói con ở xa lắm...!”. Dù không mê tín nhưng ông Ngân vẫn có niềm tin là em trai ông đã được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ địa phương nào đó, chỉ là ông chưa tìm ra thôi. Và đúng như giấc mơ kì lạ của mẹ ông năm nào, sau này hồ sơ trích yếu có ghi về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Đào Mạnh Diêm là do bị pháo kích trong khi đứng gác trên chốt.. 

Như có “quý nhân phù trợ”, sau nhiều năm kiếm tìm, mùa hè năm 2010, ông nhận được thông tin một CCB đã gửi danh sách 38 liệt sĩ của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 hy sinh trên đất bạn Lào có tên em trai ông. (Cũng xin nói thêm, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 là đơn vị cực kỳ thiện chiến, tiền thân là Sư đoàn Bông Lau thành lập ở chiến khu Việt Bắc với những vị tướng sau này nổi danh là Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu An…, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến trường Lào, giải phóng Buôn Ma Thuật trong Chiến dịch đại thắng mùa Xuân 1975 - PV).

Hôm ấy, đúng là một đêm hạnh phúc nhất của ông, cả nhà trắng đêm không ngủ. Sáng hôm sau, ông và vợ lại khăn gói lên Đoan Hùng, Phú Thọ tìm đến Ban Chính sách Sư đoàn 316. Đây là lần đầu tiên gia đình ông biết được “địa chỉ” của em trai, biên chế thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 nhưng thật “đen đủi”, thông tin chỉ có vậy, cán bộ Ban chính sách cũng không cung cấp được thông tin em trai ông đã hy sinh và an táng chính xác ở đâu.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Đào Mạnh Ngân bên mộ em trai trong Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào.

Ông tiếp tục quay lại Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng, lần này trời đã không phụ công ông và gia đình. Thông tin từ Cục Chính sách cho biết, liệt sĩ Đào Mạnh Diêm hy sinh tại Điểm cao 1800, an táng tại Nghĩa trang 1516 (hang Toa Tàu), Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Tuy nhiên, giống như thông tin ở Sư đoàn 316, Cục Chính sách cũng không thể trả lời chính xác em trai ông đang “ở đâu”.

Từ năm 2013 đến 2015, ông Đào Mạnh Ngân hàng chục lần lặn lội vào Nghệ An để tìm kiếm thông tin. Trong một lần vào Nghệ An, ông tìm gặp được Đại tá Hồ Trọng Bình, nguyên Trưởng đoàn quy tập liệt sĩ của QK4 tại Lào. Đại tá Bình cho biết, hang Toa Tàu (nghĩa trang 1516) là nơi đặt đại bản doanh của Bệnh viện Quân y. Tại đây, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316 và 312 chiến đấu tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng bị thương đưa về cứu chữa, hy sinh và được an táng tại đây. Sau này, hầu hết hài cốt số liệt sĩ này được cất bốc đưa về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn (Nghệ An)… 

“Trả lại tên cho em”

Từ nghiên cứu thông tin của ông Hồ Trọng Bình, ông Ngân tiếp tục tìm kiếm và xác định được nguồn tin quý giá, đó là năm 1998, Đội quy tập liệt sĩ QK 4 đã tìm, cất bốc một số hài cốt an táng tại Nghĩa trang Thẩm Tàu và Nghĩa trang Hin Tặng, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. Trong 8 ngôi mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Nghĩa trang Hin Tặng (tọa độ 26.92.06) có 2 hài cốt có tên là Vương Sĩ Trùy và Hoàng Nông Đờn thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Ông Ngân tiếp tục tìm kiếm theo con đường chính thống, đồng thời gửi thông tin cho chương trình “Trở về ký ức” của Truyền hình TP HCM, đăng thông tin tìm kiếm trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam, mạng xã hội. 

Qua nhiều nguồn khác nhau, ông tìm gặp hơn 50 CCB thuộc Sư đoàn 316 ở: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình… từng chiến đấu tại Xiêng Khoảng để dò hỏi thêm thông tin. “Sau khi đối chiếu thông tin từ nhiều kênh khác nhau, sử dụng phương pháp phân tích, loại trừ, đối chiếu, tôi có niềm tin chắc chắn là em trai mình đã được đưa về an táng ở Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào. Và rất có thể hài cốt em tôi nằm trong 8 ngôi mộ được cất bốc tại nghĩa trang Hin Tặng.

Ông Ngân và vợ nhiều lần quay lại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, đứng giữa một màu trắng xóa, bạt ngàn hơn 11.000 ngôi mộ, trong đó có đến 7.000 ngôi không biết tên, không một dòng địa chỉ, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Khóc vì thương em, thương mình và cũng thương cả số phận, thân nhân 7.000 liệt sĩ không rõ tên đang nằm ở đây. Nhưng rất may là thời gian này, Nhà nước cho phép lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN nên gia đình đã nộp hồ sơ, mẫu sinh phẩm xin giám định...

leftcenterrightdel
Công văn trả lời kết quả giám định hài cốt liệt sĩ Đào Mạnh Diêm. 

Sau 2 năm làm đơn và gửi hồ sơ, hồng phúc đã đến với gia đình ông, ngày 25/11/2019, Viện Pháp y quân đội - Cục Quân y Bộ Quốc phòng có văn bản kết luận: “Mẫu hài cốt liệt sĩ ký hiệu NCC2902_Q4 và mẫu sinh phẩm của ông Đào Mạnh Ngân (anh trai liệt sĩ - ký hiệu NCC2902_K) có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ”. Đó cũng chính là một trong 8 ngôi mộ không tên được Đội quy tập cất bốc từ Hin Tặng về an táng tại lô B1, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Vậy là sau 47 năm liệt sĩ Đào Mạnh Diêm hy sinh, hơn 30 năm với hành trình dằng dặc tưởng như vô vọng, ông đã tìm được em trai, thực hiện lời hứa với bố mẹ và chị gái trước lúc lâm chung. Nhấp thêm ngụm trà, giọng ông nghẹn lại vì xúc động: “Trong hành trình tìm em, cứ khi nào tuyệt vọng nhất, bi quan nhất thì dường như lại có ai đó thúc giục, mách bảo giúp tôi xốc lại tinh thần để tiếp tục công cuộc kiếm tìm. Nếu không có các CCB, không có sự giúp đỡ thắm tình của bao người thì chắc chắn gia đình tôi không có niềm hạnh phúc ấy...”. 

Sắp đến ngày 30/4, năm nay sức khỏe không còn được như trước nhưng ông Đào Mạnh Ngân vẫn cùng vợ và các con quay lại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào. Thắp nén nhang thơm hương trời đất, xúc cảm ùa về, trong làn khói nhang bảng lảng, ông lấy giấy bút viết một bài thơ mộc mạc rồi hóa ngay trước mộ…

“Hơn 11.000 mộ nằm đây

Giữa bạt ngàn quân không một lời tên tuổi

Hỡi anh em nằm đây có gọi

Nhắn nhủ lời gì với mẹ, với cha

Hơn 50 năm ngày chiến tranh đi xa

Mẹ tôi nay đã thành tâm nguyện

Xin phép các anh, tôi đưa em về trước

Vạn linh hồn gọi nhau tiễn đưa em…”

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến nay cả nước vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 liệt sĩ an táng tại các nghĩa trang nhưng không biết tên. Đất nước im tiếng súng đã gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn hơn nửa triệu gia đình vẫn đang ngày đêm khắc khoải, mong ngóng thông tin con em ra trận mà chưa trở về, dù chỉ là cái tên, dòng địa chỉ. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đến nay Đề án đã “trả lại tên” cho hơn 5.000 liệt sĩ nhưng quỹ thời gian không còn nhiều, khi mà các ông bố bà mẹ các liệt sĩ đều đã mất hoặc ở cái tuổi gần đất xa trời nên chúng ta sẽ có tội với tiền nhân nếu thiếu trách nhiệm hoặc cố tình đi chậm lại.


Vũ Mạnh Hà