leftcenterrightdel
 Cây gỗ nghiến bị chặt trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước với 72,1%, trong rừng tự nhiên vẫn còn nhiều cây gỗ quý hiếm như đinh, nghiến, trai, táu, lát… Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ khai thác rừng trái phép gây bức xúc dư luận. 

Vườn Quốc gia Ba Bể có hệ thực vật phong phú, trong rừng còn nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ và được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Thời gian gần đây, thực trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia Ba Bể đã trở thành điểm “nóng” khi một loạt các cây gỗ nghiến cổ thụ bị đốn hạ.

Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Ba Bể, trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện và lập biên bản 17 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, khai thác rừng trái phép là 7 vụ gồm 4 vụ chặt cây mới với khối lượng hơn 5,9 m3 gỗ nhóm IIA; 3 vụ tác động đến hiện trường cây gỗ đã bị chặt hạ từ những năm trước, lấy đi khỏi hiện trường hơn 1,7 m3 gỗ nhóm IIA.

Ngoài các vụ khai thác rừng trái phép, cũng trong 6 tháng đã phát hiện 5 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, trong đó có 3 vụ vận chuyển thớt nghiến, 1 vụ vận chuyển lục bình, 1 vụ vận chuyển gỗ dạng hình thù đặc biệt. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 17 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật hơn 0,3 m3 gỗ nghiến nhóm IIA.

Ngày 11/7, tại lô M, khoảnh 2, tiểu khu 59, Trạm Kiểm lâm Đán Đeng phối hợp với nhóm nhận khoán bảo vệ rừng thôn Nà Sliến, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể tuần tra kiểm tra khu vực đã phát hiện 1 cây gỗ nghiến mới bị chặt hạ có tổng khối lượng là hơn 24 m3.

Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện người vi phạm. Lực lượng Kiểm lâm đã lập biên bản và báo cáo với Vườn Quốc gia Ba Bể. Vườn Quốc gia Ba Bể đã phối hợp cùng Công an huyện Ba Bể tổ chức mật phục, nắm thông tin, canh gác hiện trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bắt được đối tượng vi phạm.

Tại hiện trường, phóng viên chứng kiến cây gỗ nghiến bị chặt hạ không thương tiếc, lá vẫn còn tươi; lọ đựng dầu tra cưa máy, mùn cưa vung vãi khắp nơi. Cây đã được xẻ, cắt khúc dạng thớt chờ vận chuyển ra bên ngoài.

Theo lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thời gian lâm tặc đốn hạ cây gỗ nghiến là vào lúc mưa bão. Đối tượng đã cắt cây gỗ thành 8 khúc nhỏ và đồng thời xẻ 2 khúc làm dạng thớt mỏng có kích thước 5x40 cm. Các đối tượng cũng đưa khỏi hiện trường khối lượng gỗ nghiến khoảng 1,71 m3. Cũng có nhiều cây đã bị đốn hạ từ lâu nằm chỏng chơ giữa rừng, có cây đã mục nát.

Lực lượng Kiểm lâm địa bàn cho biết, mặc dù đi tuần thường xuyên, đường đi lại khó khăn nhưng do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết được.

Bên cạnh đó các đối tượng hoạt động rất tinh vi, theo dõi lực lượng Kiểm lâm và có cảnh giới, thậm chí kéo đến các chốt trạm để đe dọa, chửi bới, lăng mạ, nhắn tin khủng bố. Vụ việc đã được chuyển cho Cơ quan điều tra xác minh làm rõ các đối tượng chặt phá rừng trái phép.

Ông Nguyễn Mỹ Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong ngày 8/8, các lực lượng chức năng đã trực tiếp đến kiểm tra tại hiện trường để có đánh giá cụ thể và đề ra phương án xử lý. Quan điểm của tỉnh là chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo pháp luật, đồng thời sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng trái phép tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, tình hình khai thác lâm sản trái phép ở các khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn diễn ra hết sức phức tạp, lực lượng Kiểm lâm đã phải tăng cường cho các vùng trọng yếu, lập các gác chắn, thường xuyên tuần tra, kiểm soát để bảo vệ rừng. Đời sống người dân xung quanh Khu Bảo tồn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên dễ bị lợi dụng, lôi kéo.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn đã lập biên bản 227 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu trên 408 m3 gỗ các loại, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.

Đức Hiếu (TTXVN)