Quân đội và các địa phương đã điều động hơn 263.200 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia ứng trực và sẵn sàng ứng phó với bão Noru (bão số 4). Hơn 3.380 phương tiện các loại cũng được điều động sẵn sàng phối hợp với các địa phương để ứng phó với bão.

Theo Trung tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết: Trước tình hình phức tạp của cơn bão, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có các công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là lực lượng vũ trang Quân khu 3, 4, 5, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển... phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động điều động lực lượng, phương tiện ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn.

Hiện tại, quân đội và các địa phương đã điều động hơn 263.200 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia ứng trực và sẵn sàng ứng phó với bão số 4.

Hơn 3.380 phương tiện các loại cũng được điều động sẵn sàng phối hợp với các địa phương để ứng phó với bão.

leftcenterrightdel
 Quân đội điều động 263.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân và 3.380 phương tiện ứng phó bão Noru. Ảnh: TTXVN
Các địa phương khu vực xung yếu tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... đã triển khai lực lượng khẩn trương di dời hàng trăm ngàn người dân đến nơi an toàn trú tránh bão. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó và đảm bảo an toàn cho người dân tại nơi trú ẩn.
leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an giúp dân chằng chống nhà cửa. Ảnh CAND
leftcenterrightdel
 Giúp người cao tuổi, bệnh nhân đến nơi trú ẩn an toàn. Ảnh CAND
Sáng ngày 27/9, Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 4 (bão Noru) đã họp bàn công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ. Theo đó, để đảm bảo an toàn, Đà Nẵng đã có thông báo, đến 20h ngày 27/9 yêu cầu tất cả người dân không được ra khỏi nhà (trừ lực lượng làm nhiệm vụ). 

Để chủ động phòng chống bão số 4, từ sáng sớm ngày 27/9, người dân TP Đà Nẵng cũng tranh thủ từng giờ để chằng chống, gia cố nhà cửa, các cửa hàng, tiểu thương ở chợ khẩn trương dọn dẹp hàng quán và hoàn thành sơ tán dân đến nơi an toàn trước 14h ngày 27/9.

leftcenterrightdel
 Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã tháo các biển hiệu, chằng chống nhà cửa. (Ảnh: LT)

Chủ tịch UBND TP cho biết, Đà Nẵng đã chỉ đạo cụ thể về phương án ứng phó với bão số 4, đề nghị các quận, huyện hoàn thành công tác chuẩn bị trước 14h ngày 27/9. Các xã, phường, quận, huyện kiểm tra các lán trại công nhân, hạ hết tường rào tôn quanh các công trình.

leftcenterrightdel
 Nhân viên của cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng) dùng thanh sắt, dây thép cố định lại cửa để đảm bảo an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ vào. (Ảnh: LT)

Sở Y tế cần sẵn sàng các phương án, phương tiện cấp cứu, cung cấp số điện thoại nóng của từng cơ sở y tế để hỗ trợ người dân. Lực lượng chức năng kiểm tra phòng, chống cháy nổ tại khu vực âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và các bến tàu; kiên quyết đưa tất cả thuyền viên lên bờ trước khi bão đổ bộ.

leftcenterrightdel
 Nhiều người dân gấp rút mua vật liệu về để gia cố, chằng chéo nhà cửa. (Ảnh: LT)

Theo thống kê, còn khoảng 11.000 du khách quốc tế và 7.000 du khách trong nước đang lưu trú tại thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Du lịch yêu cầu các cơ sở lưu trú thông báo và đảm bảo an toàn cho du khách khi bão đổ bộ.

leftcenterrightdel
 Nhiều cửa hàng đã đóng cửa, hoàn thành việc chằng chéo, gia cố từ chiều ngày 27/9. (Ảnh: LT)
leftcenterrightdel
 Người dân tranh thủ từng giờ gia cố lại nhà cửa. (Ảnh: LT)
leftcenterrightdel
 Dùng bao cát, thùng nhựa, thùng xốp đựng nước… chằng lên mái nhà, đó là cách mà người dân Đà Nẵng gia cố, chằng chống nhà cửa chuẩn bị để ứng phó với cơn bão số 4. (Ảnh: LT)
leftcenterrightdel
 Gia cố, chằng chống quán hàng. (Ảnh: LT)

Trong sáng 27/9, nhiều tàu, thuyền các tỉnh tiếp tục về neo đậu tránh trú bão tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) với hơn 600 thuyền viên (theo thống kê ban đầu). Ông Lê Trung Chinh lưu ý, UBND quận Sơn Trà bố trí nhu yếu phẩm, nơi tránh trú bão an toàn trên bờ cho tất cả thuyền viên này.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng đã có thông báo, đến 20h ngày 27/9 yêu cầu tất cả người dân không được ra khỏi nhà (trừ lực lượng làm nhiệm vụ). (Ảnh: LT)

Trước đó, UBND thành phố đã có thông báo chỉ đạo tạm dừng họp chợ; cho cán bộ, công nhân, người lao động nghỉ làm từ 12h ngày 27/9 để tập trung phòng, chống bão số 4. Khi gió đạt cấp 7 (tương ứng vận tốc từ 13,9 đến 17,1 m/s), lực lượng chức năng sẽ cấm tất cả phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm các loại phương tiện này.

leftcenterrightdel
 Sáng nay, các chợ, siêu thị vẫn mở cửa bình thường, hàng hóa dồi dào, người dân tranh thủ đi mua thực phẩm dữ trữ trước chợ tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của TP để đảm bảo an toàn. (Ảnh: LT)

Khi gió đạt cấp 10 (tương ứng vận tốc từ 24,5 đến 28,4 m/s), lực lượng chức năng sẽ tiến hành phong tỏa, cấm các loại phương tiện qua các cầu: Thuận Phước, Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế. Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút phía Tây cầu Sông Hàn, khi có sự cố ngập nước, lực lượng chức năng sẽ cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn. 

leftcenterrightdel
 Các tiểu thương tranh thủ bán hết hàng, dọn dẹp trước 12h ngày 27/9. (Ảnh: LT)

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, đến 5h ngày 27/9, tổng số tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, âu thuyền là 1.228 phương tiện, còn 2 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển với 24 lao động (đã được thông báo và đang di chuyển để tránh trú bão).

leftcenterrightdel
 Đã có hơn 1.000 tàu thuyền được sắp xếp, neo đậu an toàn trong Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu an toàn khác trên địa bàn TP. (Ảnh: LT)

Căn cứ bản tin dự báo, UBND các quận, huyện của Đà Nẵng dự kiến tiến hành sơ tán 80.801 người (sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép 54.932 người). Sở Công Thương thành phố đã lập phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho nhân dân với dự kiến 32.248 hộ dân, mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ (4 mặt hàng dùng trong 3 ngày); kinh phí dự kiến là 12,42 tỉ đồng.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công điện về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có Công điện số 865/CĐ-TTg ngày 27/9/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4.

Công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công điện nêu rõ: Bão Noru (bão số 4) dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta; diễn biến của bão còn rất phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng chống chịu của nhà dân, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn khi xảy ra bão mạnh hết sức khó khăn.

leftcenterrightdel
 Bão số 4 cách khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Ảnh: TTXVN phát

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão Noru (bão số 4), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão Noru (bão số 4) với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại công tác ứng phó, triển khai ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế của bão trên địa bàn theo chỉ đạo tại Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đình hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết, cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai chống bão Noru (bão số 4), cần phân công từng đồng chí trong Thường vụ, lãnh đạo trực tiếp xuống từng địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Tập trung rà soát, cương quyết sơ tán triệt để tất cả người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản, khu vực ven biển, cửa sông, trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập sâu trước khi bão đổ bộ vào (cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sơ tán, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chủ động bố trí lực lượng bảo đảm an ninh an toàn, bảo vệ tài sản cho người dân; bảo đảm lương thực, nước uống, an toàn phòng chống dịch cho người dân tại nơi sơ tán đến.

Tiếp tục rà soát phương tiện, tàu thuyền, không để tàu thuyền hoạt động trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, các phương tiện hoạt động ven bờ, vùng cửa sông); hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản đến kỳ thu hoạch, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… để hạn chế thiệt hại khi bão, lũ.

Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ vào bờ để bảo đảm an toàn.  

Tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm tại những khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở chia cắt khi mưa lũ.

Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống, nhất là cứu hộ cứu nạn trên biển, trên sông và những nơi bị chia cắt.

Các địa phương khác phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kịp thời chỉ đạo ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện không để đi vào khu vực ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4); chủ động triển khai các phương án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất tại vùng núi, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước…

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, dự báo chính xác nhất, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan liên quan và người dân để phòng, chống hiệu quả, giảm thiệt hại.

Các bộ, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó bão Noru (bão số 4), đặc biệt lưu ý đảm bảo an toàn cho các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, học sinh, phụ nữ và du khách; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng, chống.

Ban chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ. 8. Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ; cập nhật kịp thời, bám sát diễn biến thực tế để chủ động báo cáo Ban chỉ đạo tiền phương và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

go top


Lê Tâm