Để tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bên cạnh gia tăng quyền lợi, chính sách hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước thì rất cần sự hỗ trợ thêm từ nguồn Ngân sách địa phương trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay. Đó là những chia sẻ của Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Chương trong cuộc phỏng vấn phóng viên báo chí vừa qua.

+ PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã có những giải pháp tuyên truyền, vận động như thế nào để phát triển và mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện?

- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Chương: Chính sách BHXH tự nguyện hướng đến nhóm người tham gia là lao động tự do, lao động mùa vụ, thu nhập thường thấp, không ổn định, đồng thời có sự hỗ trợ từ Ngân sách đối với tất cả các nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có người nghèo, cận nghèo. Nhìn vào đặc điểm này, đã cho thấy sự khó khăn trong triển khai, đặc biệt với Lào Cai là một tỉnh miền núi, nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn. Tính đến hết tháng 10/2023 toàn tỉnh Lào Cai hiện nay có khoảng trên 8.700 người tham gia BHXH tự nguyện, để có được kết quả đó, thời gian qua BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như:

Thường xuyên báo cáo, tham mưu, xin chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan trong truyền thông chính sách BHXH. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh, huyện, xã trong chỉ đạo, điều phối hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chính sách, đặc biệt, vai trò của Ban chỉ đạo trong phối hợp truyền thông, vận động.

leftcenterrightdel
 Nhân viên Bảo hiểm y tế huyện Bát Xát đến tận hộ gia đình ở thôn Tân Bảo, xã Bản Qua để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Hàng năm BHXH tỉnh, huyện đều tham mưu UBND cùng cấp giao chỉ tiêu kế hoạch đến từng UBND xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó các Ban chỉ đạo các cấp triển khai các giải pháp và cuối năm đánh giá kết quả thực hiện của chính quyền cấp xã.       

Đổi mới công tác truyền thông: Với nhóm người tham gia là người dân thì chú trọng hoạt động truyền thông tương tác 2 chiều qua các trang mạng xã hội Zalo, facebook, các buổi livestream giải đáp tư vấn trực tiếp theo nhóm nhỏ tại hộ gia đình, tổ, thôn, bản, hoặc tư vấn 1-1; quy mô lớn hơn là hội nghị khách hàng tại xã, triển khai mô hình gian hàng tư vấn chính sách tại các hội chợ, chợ phiên. Với nhóm là các đoàn thể thì nâng cao số lượng và chất lượng hội nghị truyền thông nội dung chính sách, kỹ năng truyền thông, vận động. Bên cạnh đó khai thác hiệu quả kênh truyền thông đại chúng qua Báo,Đài địa phương, hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Dựa trên CSDL quốc gia về bảo hiểm đã được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư, BHXH tỉnh xây dựng kịch bản phát triển người tham gia BHXH tự nguyện chi tiết cụ thể, xác định rõ nội dung cần làm từng tháng từ quý. Với mỗi nhóm người tiềm năng đều có chỉ tiêu và giải pháp tương ứng. Các kế hoạch truyền thông cũng bám sát kịch bản để triển khai có trọng tâm, trọng điểm.

Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các tổ chức dịch vụ thu được cơ quan BHXH ủy quyền thu. Trong đó chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ nhân viên thu. Tiếp tục mở rộng số lượng nhân viên thu, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 2-3 nhân viên thu. Giao chỉ tiêu kế hoạch năm cho các tổ chức dịch vụ thu.

Giao chỉ tiêu vận động người tham gia BHXH tự nguyện cho mỗi cán bộ, viên chức ngành BHXH. Vận động cán bộ, viên chức ngành BHXH tỉnh ủng hộ 1 ngày lương và vận động thêm các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tạo nguồn kinh phí để tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có khoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác ưu điểm của chuyển đổi số, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH tự nguyện.

+ PV: Đối với những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, thì hiện có những giải pháp gì để giúp nhóm đối tượng này tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện thưa ông?

- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Chương: Thực hiện chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện theo Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Trong số trên 8.700 người tham gia BHXH tự nguyện thì có 67 người thuộc hộ nghèo, 111 người thuộc hộ cận nghèo. Tỷ trọng rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do: thu nhập hộ nghèo, cận nghèo quá thấp; mức hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước là 30% với hộ nghèo và 25% với hộ cận nghèo là thấp và chưa đủ sức thu hút. Bởi vậy, trong bối cảnh chính sách và đặc điểm của nhóm đối tượng chính sách vừa nêu, BHXH tỉnh đang tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

- Tiếp tục tăng cường truyền thông chính sách với hộ nghèo, cận nghèo.

- Đề xuất chính quyền địa phương nâng mức hỗ trợ BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo từ Ngân sách địa phương.

- Vận động từ nguồn xã hội hóa, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí để tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

+ PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xuân Bách