Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008 là sự thể chế hoá, hiện thực và cụ thể hoá một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể, Luật Hóa chất tương đối toàn diện và tiến bộ, với các chế định được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện kinh tế cụ thể của ngành hóa chất Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển chung của quản lý hóa chất trên thế giới. Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, theo đó việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật. Như vậy, Luật Hóa chất đã có hơn 14 năm thi hành ổn định, có thể nói là một trong những Luật chuyên ngành có thời gian thi hành ổn định lâu nhất.
Với đặc thù của hóa chất là sản phẩm phổ biến, được sử dụng rộng khắp trong đời sống người dân và hầu hết các hoạt động công nghiệp nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn đến sức khỏe con người, môi trường, việc triển khai quản lý chặt chẽ các hoạt động hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất đã góp phần hiện thực hóa chủ trương “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được nêu rõ tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII. Cùng với đó, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau hơn 14 năm thi hành, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động hóa chất đã phát sinh một số bất cập và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mục đích sửa đổi Luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển các “ngành công nghiệp nền tảng”, “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên.
Đồng thời, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, qua đó tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý hóa chất và ngành công nghiệp hóa chất.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường và tài sản xã hội.
Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý họat động hóa chất cơ bản ổn định trong những năm tiếp theo.
Mặt khác việc sửa đổi Luật còn nhằm hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế.
Về nội dung, Luật Hóa chất sửa đổi sẽ tập trung giải quyết 6 nhóm chính sách lớn, gồm: Quy định cụ thể hơn đối tượng, phạm vi áp dụng của Luật Hóa chất; phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất; quy định về thông tin hóa chất.
Trước đó, theo báo cáo, trong những năm đầu thập niên 2010, ngành công nghiệp hóa chất đã đạt mức tăng trưởng trung bình 16%/năm và ở mức 7-8% trong những năm cuối thập niên, năng suất lao động cao (bằng 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp). Một số lĩnh vực của ngành công nghiệp hóa chất đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa, tiền chất thuốc nổ (NH4NO3). Chủng loại sản phẩm trong nước sản xuất được đã đa dạng hơn.
Hầu hết các dự án trong giai đoạn gần đây sử dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới, các yếu tố an toàn, môi trường được nâng cao. Đã bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất.