Xây dựng Luật Phòng không nhân dân là cần thiết

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Luật Phòng không nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì, thực tiễn để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải xây dựng Luật Phòng không nhân dân.

Qua tổng kết thi hành pháp luật về Phòng không nhân dân giai đoạn 2015-2021 trên phạm vi cả nước cho thấy việc thi hành pháp luật về Phòng không nhân dân những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập.

Theo đó, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến công tác Phòng không nhân dân chưa được thể chế và cụ thể hóa như việc huy động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác Phòng không nhân dân sẽ liên quan đến quyền con người cần phải điều chỉnh bằng văn bản Luật; một số nội dung của Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Phòng không nhân dân chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến quốc phòng như việc tổ chức xây dựng lực lượng Phòng không nhân dân trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia chưa được quy định trong Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ. 

Bên cạnh đó nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ đến tổ chức, hoạt động của công tác Phòng không nhân dân và xây dựng thế trận Phòng không nhân dân như việc Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân cấp tỉnh là trung tâm phối hợp, hiệp đồng triển khai thực hiện Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ song các văn bản có tính pháp lý cao chưa điều chỉnh nội dung trên kịp thời.

Đồng thời, công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác Phòng không nhân dân chưa đồng bộ, thống nhất, còn bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới (còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện). Từ những vấn đề trên đặt ra vấn đề cần phải xây dựng và ban hành Luật PKND.

Mặt khác, thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai cho thấy ngoài những hình thức, phương pháp chiến tranh truyền thống, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó có việc sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao như: Máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (UAV),... là chủ yếu, ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh 1 lớp tập huấn công tác Phòng không nhân dân. (Ảnh minh hoạ)

Thế giới đã và đang có nhiều thay đổi khó lường về phương thức, quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, lực lượng và thủ đoạn tác chiến để tiến hành chiến tranh, tác động đến khả năng phát hiện, quản lý vùng trời, nhất là ở độ cao thấp, cực thấp của lực lượng Phòng không nhân dân.

Phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả trong chiến tranh

Về nguyên tắc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động lực lượng phòng không nhân dân, dự thảo Luật nêu rõ: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và hệ thống chính trị; lực lượng phòng không nhân dân phải có trình độ chuyên môn, chuyên ngành cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Tổ chức hoạt động phòng không nhân dân theo hình thức kiêm nhiệm, bảo đảm chặt chẽ, an toàn, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, tổ chức.

Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong hoạt động phòng không nhân dân.

Về vị trí, chức năng của phòng không nhân dân, dự thảo quy định: Phòng không nhân dân là một nội dung của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, tổ chức hoạt động trong khu vực phòng thủ, nhằm thực hiện phòng, tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả trong chiến tranh; bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở, tài sản của nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp và là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phòng không nhân dân có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động phòng không nhân dân; tham gia quản lý vùng trời ở độ cao thấp, cực thấp, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu phòng không, khắc phục hậu quả địch tiến công đường không, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa của Tổ quốc.

Xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.

Tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi, hội thao phòng không nhân dân.

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về phòng không nhân dân và phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Trốn tránh thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân khi được huy động tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân.

Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng và thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Bao che, tiếp tay, hậu thuẫn cho các hoạt động sai phạm trong công tác quản lý vùng trời; buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Huy động, điều động lực lượng phòng không nhân dân không có trong kế hoạch được phê duyệt hoặc sai mục đích.

Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động và hoạt động phòng không nhân dân.

Phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không. Thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ. Địa bàn phòng không nhân dân bao gồm địa bàn trọng điểm phòng không nhân dân và địa bàn ngoài trọng điểm phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.
P.V