Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (Luật Điện ảnh), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023. Luật Điện ảnh được ban hành với nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong giai đoạn mới, bảo đảm phù hợp với các Luật hiện hành của Việt Nam, các cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên mà còn đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh. 

Để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thi hành, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ cụ thể, do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh là hết sức cần thiết để bảo đảm những nội dung được Luật giao phải được Chính phủ quy định kịp thời.

Mục đích ban hành Nghị định nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực thi hành giữa Luật Điện ảnh và Nghị định quy định chi tiết, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho việc thực thi có hiệu quả, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tiếp tục thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết mà Việt Nam đã tham gia để phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

leftcenterrightdel
 Khán giả tại Rạp chiếu phim. (Ảnh minh hoạ)

Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương, 22 điều. Nội dung chính của dự thảo Nghị định bao gồm quy định về nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị; biên tập, dịch, làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh.

Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị, được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu; quy trình thực hiện lựa chọn dự án sản xuất phim.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định còn quy định về tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em phổ biến trong rạp chiếu phim.

Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Tỉ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước.

Điều kiện thực hiện phân loại phim trên không gian mạng; thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.

Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật Điện ảnh.

Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.

Triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm.

Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo tại địa điểm chiếu phim công cộng.

Điều kiện Cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; về các vấn đề còn ý kiến khác nhau; về vấn đề bình đẳng giới.

Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì đã tiến hành rà soát vấn đề bình đẳng giới. Các quy định của dự thảo Nghị định quy định chi tiết những điều mà Luật giao; không có điều, khoản hay điểm riêng nào quy định về giới; nội dung không làm ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt và không gây ra sự bất bình đẳng hay các vấn đề về giới; phù hợp với quy định của Luật Bình đẳng giới, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

P.V