Thiếu tá Lê Văn Minh, Phó trưởng Công an xã Đạo Trù (Công an huyện Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng tiếp tục lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác đấu tranh, triệt phá, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình. Tại địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên là 745,6 ha, dân số 4.254 hộ với 17.300 nhân khẩu, trong đó có 87,5% là người dân tộc Sán Dìu. Do đó, Công an xã Đạo Trù thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật, các phương thức, thủ đoạn, các chiêu trò mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho người dân trên địa bàn. Qua đó để người dân nâng cao cảnh giác.

leftcenterrightdel
 Công an xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) tuyên truyền người dân cảnh giác với các chiêu lừa đảo trên không gian mạng.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp Công an xã Đạo Trù phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật, các phương thức, thủ đoạn, các chiêu trò mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, định kỳ thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động, chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng trên hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn ở khu dân cư, chợ, nơi tập trung đông người vào các khung giờ từ 06h00 đến 07h00 và từ 17h30' đến 18h30' hàng ngày.

Bà Trần Thị Tám, ở Phân Lân Thượng, xã Đạo Trù cho biết, các cán bộ Công an xã Đạo Trù xuống tận các hộ tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại. “Nhà tôi nhiều người nhận được cuộc gọi lừa đảo từ nhận hàng cho tới việc mạo danh cán bộ Công an, gọi điện thoại đến hỏi thông tin, vận động công dân cập nhật, bổ sung thông tin đồng bộ định danh điện tử mức độ 2…Khi được tuyên truyền, chúng tôi không thực hiện theo các bước mà các đối tượng yêu cầu và đã gọi phản ánh ngay cho Công an xã”, bà Tám cho hay.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội trường.

Ông Lý Văn Hai, ở thôn Tân Lập, xã Đạo Trù cũng cho biết, các đối tượng lừa đảo gọi điện mạo danh rất nhiều. Song do được thông tin thường xuyên từ Công an xã, người dân cũng đã hiểu và cảnh giác hơn rất nhiều. Sự tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức khác nhau giúp cho người dân, những người cao tuổi trong thôn biết được và phòng tránh.

Điển hình như, ngày 16/3/2024 Công an xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc anh Nguyễn Văn D., SN 1972, dân tộc Sán Dìu ở xã Đạo Trù bị một đối tượng mạo danh cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Tam Đảo gọi điện thoại thông báo cần phải nâng cấp mã định danh công dân mức độ 2 do bị sai thông tin. Sau đó yêu cầu anh D cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hướng dẫn chụp ảnh căn cước công dân cả hai mặt, chụp ảnh nhận diện khuôn mặt, hướng dẫn chuyển khoản thử 10.000 đồng để xác thực thông tin chủ tài khoản, mục đích để xâm nhập tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của anh D. Do thường xuyên được nghe thông tin tuyên truyền của cơ quan chức năng, anh D đã nghi ngờ và gọi điện cho Công an xã Đạo Trù để được hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Đạo Trù đã hướng dẫn anh D không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho các đối tượng và phối hợp ngân hàng để khoá tài khoản, không để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt số tiền hơn 20 triệu đồng có trong tài khoản.

leftcenterrightdel
 Ngày 17/7/2024 Công an huyện Tam Đảo đã tham mưu UBND huyện Kế hoạch số 229/KH-UBND thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, ký cam kết, đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Công an huyện Tam Đảo, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn huyện Tam Đảo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhất là tình trạng giả danh cán bộ Công an để hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VneID. Mặc dù thủ đoạn không mới, tuy nhiên, lợi dụng sự thật thà, nhẹ dạ cả tin và việc người đồng bào dân tộc thiếu số ít tiếp cận với công nghệ thông tin, các đối tượng đã dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Tam Đảo xảy ra 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 377.500.000 đồng. Lực lượng Công an huyện đã điều tra làm rõ 2 vụ, với 3 đối tượng, khởi tố 2 vụ, 3 bị can, thu hồi tài sản 12.500.000 đồng.

Trước đó, ngày 17/7/2024 Công an huyện Tam Đảo đã tham mưu UBND huyện Kế hoạch số 229/KH-UBND thực hiện đợt Cao điểm tuyên truyền, ký cam kết, đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo đó, Công an huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện, UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền về kiến thức pháp luật, các phương thức thủ đoạn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn, xóm, tổ dân phố, những nơi tập trung đông người như quảng trường, chợ… Tổ chức cho 100% CBCS Công an huyện ký cam kết tích cực tham gia tuyên truyền cho bạn bè, người thân và nhân dân nơi cư trú; chia sẻ các thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với phương châm “mỗi cán bộ, chiến sỹ là một tuyên truyền viên”.

leftcenterrightdel
 Phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, không để người dân nào không được tiếp cận, cập nhật các thông tin tuyên truyền.

Niêm yết áp phích tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng tại các điểm công cộng, nơi tập trung đông người, tại các hộ gia đình để người dân dễ theo dõi, nâng cao nhận thức, giảm thiểu nguy cơ bị tội phạm mạng lợi dụng vào các hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật, không để người dân nào không tiếp cận, cập nhật các thông tin tuyên truyền, thực hiện theo phương châm “Một nhà ít nhất một bảng tuyên truyền”.

Về thủ đoạn, theo chuyên gia về an ninh mạng, lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng của Việt Nam được chia thành 5 nhóm:

1. Liên quan pháp lý: Mạo danh cơ quan chức năng gọi điện cho nạn nhân, đưa ra tình huống liên quan pháp luật. Yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin, thậm chí là chuyển tiền để giải quyết vụ việc.

2. Liên quan mối quan hệ xã hội: Lợi dụng những tài khoản hack được trên mạng xã hội hoặc giả mạo người thân, bạn bè. Sử dụng công nghệ Deepfacke để giả mạo hình ảnh, giọng nói và yêu cầu chuyển tiền.

3. Liên quan cơ hội việc làm, đầu tư: Tạo ra hội, nhóm trên mạng và mời gọi việc nhẹ lương cao hay đầu tư lãi suất lớn. Yêu cầu người dùng cần chuyển tiền để tham gia hoạt động.

4. Liên quan khuyến mại: Mời nạn nhân tham gia những khuyến mại trúng thưởng hấp dẫn của những nhãn hàng lớn. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền và thông tin dùng để làm chi phí vận chuyển quà tặng trúng thưởng.

5. Liên quan quyền điều khiển: Sử dụng phần mềm hoặc website giả mạo gửi link qua Chat hoặc tin nhắn định danh, lừa người sử dụng cài đặt ứng dụng hoặc truy cập website. Chiếm quyền điều khiển điện thoại của người dùng, thực hiện các lệnh chuyển tiền.

Do vậy, khi người dân nói chung đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet... cho bất kỳ ai không quen biết. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP... cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng internet; không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời, chào đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường; trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, thuê tài khoản ngân hàng... Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, người dân cần kịp thời báo ngay với lực lượng Công an để được hướng dẫn, xử lý.

CẨM NANG "KỸ NĂNG NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG CHỐNG LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN"

Nhằm trang bị cho người dân “vũ khí” chống lừa đảo trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã cho ra mắt Cẩm nang “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” với 5 nhóm kỹ năng thiết yếu, từ nhận biết dấu hiệu lừa đảo đến xử lý tình huống khi bị tấn công. Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng. Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

leftcenterrightdel
 Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã cho ra mắt Cẩm nang “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” với 5 nhóm kỹ năng thiết yếu, từ nhận biết dấu hiệu lừa đảo đến xử lý tình huống khi bị tấn công. 

 

Hà Minh