Theo BHXH tỉnh Hưng Yên, tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hơn 259 nghìn người, chiếm khoảng 41% lực lượng trong độ tuổi lao động với số thu đạt hơn 4000 tỉ đồng. Trong đó, BHXH bắt buộc chiếm khoảng 39%, BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2%.
Các thủ tục hành chính (TTHC) của BHXH tỉnh Hưng Yên được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... việc tiếp nhận thủ tục hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC được tổ chức rất linh hoạt phù hợp, như: Trực tiếp tại bộ phận “một cửa liên thông” của tổ chức BHXH; thông qua dịch vụ Bưu chính; thông qua giao dịch hồ sơ điện tử với số hồ sơ tiếp nhận qua giao dịch điện tử chiếm 82.85% tổng hồ sơ tiếp nhận; cổng dịch vụ công quốc gia; cổng dịch vụ công của ngành BHXH (doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH 24/24 giờ, 07/7 ngày) hoặc thông qua Trung tâm Hành chính công của tỉnh Hưng Yên, của huyện, thị xã, thành phố...
|
|
Đẩy mạnh các giải pháp cải cách giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. |
Ngành BHXH liên tục cắt giảm TTHC, đưa số TTHC của ngành từ 332 TTHC năm 2014, đến nay xuống còn 25 TTHC; hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ để rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; những trường hợp cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.
Các thủ tục thực hiện thanh toán, giải quyết chế độ BHXH theo quy định về trình tự, thủ tục giải quyết chế độ BHXH được triển khai đến các đơn vị sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm công tác giải quyết các chế độ luôn kịp thời, đúng quy định. Theo đó, thời gian giải quyết một số chế độ BHXH được rút ngắn lại: thời gian giải quyết chế độ hưu trí từ 20 ngày xuống còn 12 ngày (bao gồm cả thời gian cấp thẻ BHYT); thời gian giải quyết chế độ tử tuất từ 15 ngày xuống còn 8 ngày làm việc…
Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, TTHC BHXH tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. BHXH tỉnh Hưng Yên đã tăng cường tuyên truyền, vận động người tham gia, người thụ hưởng các chế độ BHXH lựa chọn hình thức nhận trợ cấp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện hệ thống thanh toán điện tử song phương, góp phần điện tử hóa trong công tác thu, nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến nay tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua ATM đạt tỷ lệ 15,5% (tại khu vực đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đạt 17%); trợ cấp BHXH một lần, các chế độ BHXH ngắn hạn qua ATM là 97,7%, riêng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe là 100%; số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM đạt tỷ lệ 99,9%.
BHXH tỉnh Hưng Yên đã thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, luân chuyển hồ sơ qua hệ thống Bưu điện nên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân khi tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; đồng thời cũng là những thuận lợi trong công tác quản lý đối tượng tham gia BHXH. Hiện nay, toàn bộ quy trình quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN ở BHXH tỉnh Hưng Yên được thực hiện trên môi trường điện tử, bằng các phần mềm nghiệp vụ; qua đó thực hiện quản lý đối tượng tham gia BHXH luôn đảm bảo chính xác đến từng người tham gia.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tại tỉnh Hưng Yên được đẩy mạnh, sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH.
|
|
Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. |
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai, thực hiện Luật BHXH, BHYT được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT. Hệ thống các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành BHXH được ban hành đầy đủ và thường xuyên được sửa đổi, hoàn thiện là điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của toàn ngành...
Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm quyền lợi của người lao động tham gia BHXH luôn được đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Các cấp ủy chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan đã tích cực phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức, triển khai thực hiện các chế độ BHXH. Công tác thu chi các quỹ BHXH được thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, hệ thống phần mềm của Ngành BHXH Việt Nam cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, kịp thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định của Chính phủ. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện luôn đầy đủ, kịp thời, an toàn, chi trả xong trước ngày mùng 10 hàng tháng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu giữa các ngành đã ngăn chặn được tình trạng làm giả Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Các đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện giao dịch điện tử trong việc đề nghị giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đã rút ngắn thời gian giải quyết chế độ cho người lao động.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động BHXH tỉnh Hưng Yên có trình độ chuyên môn vững vàng, đại bộ phận phát huy được tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; luôn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị, đoàn kết, năng động, kỷ cương, sáng tạo phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, sự nghiệp...