Các biện pháp quyết liệt chống dịch

6 tháng đầu năm 2021, TP Đà Nẵng đã thực hiện khá tốt “mục tiêu kép”, tuy nhiên hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp đặc biệt là kể từ tháng 7/2021. Toàn thành phố đã phải tập trung cao độ, vào cuộc quyết liệt để vượt qua khó khăn. Với tinh thần tương thân tương ái, sự chia sẻ, đồng thuận, cảm thông của người dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng đã và đang cố gắng vượt qua những thách thức, khó khăn mang tính lịch sử này.

leftcenterrightdel
 Từ tháng 7/2021, dịch COVID-19 diễn biến cực kỳ phức tạp tại Đà Nẵng. Trong ảnh nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: L.T

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, trong cuối tháng 7/2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát khiến thành phố phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh, đời sống của người dân và sự ổn định của xã hội. Tại Đà Nẵng đã có hàng trăm ngàn người lao động tạm ngừng hoặc không có việc làm. Thời gian tới, HĐND TP Đà Nẵng sẽ quyết tâm đồng hành với chính quyền các cấp để cùng nhau tháo gỡ một số “điểm nghẽn” trong điều hành, trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt của cả thành phố là phải chiến thắng được đại dịch COVID-19.

Tương tự, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng cũng lưu ý, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh và ở mức độ rất nguy hiểm. Vì vậy, phải xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện xuyên suốt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố cũng đã họp và quyết định xây dựng phương án đối phó với COVID-19 một cách quyết liệt nhất. Theo đó, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, Đà Nẵng có thể phải thực hiện biện pháp chống dịch theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Các công sở, nhà máy, công trường muốn hoạt động thì phải đảm bảo các điều kiện để cán bộ, công chức, người lao động phải ở tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng 7 ngày để tiến hành xét nghiệm toàn thành phố, nhằm phát hiện và đưa các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.

“Tôi đề nghị việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải triển khai nghiêm ngặt hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở; không chần chừ, do dự, thiếu cương quyết; phải bám sát tình hình thực tiễn ở cơ sở để có cách làm phù hợp, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong””, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng đề nghị áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ảnh: Xuân Nha

Trên thực tế, trước đó Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt chống dịch bằng những biện pháp mạnh. Đứng trước việc số lượng ca nhiễm tăng nhanh, nhất là trong cộng đồng, nhiều ca nhiễm chưa xác định rõ nguồn lây và nhận định thành phố đang ở mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao nên Thành ủy Đà Nẵng đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30/7/2021 thực những biện pháp phòng, chống quyết liệt, mạnh mẽ hơn để sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Theo Nghị quyết này, Đà Nẵng thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố. Địa phương cũng vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30/7/2021 để thực hiện giản cách trên toàn địa bàn thành phố. Với Chỉ thị này Đà Nẵng hiện giãn cách xã hội với những biện pháp cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà, chỉ được phép ra khỏi nhà trong những trường hợp cần thiết được quy định. Yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (kể cả hoạt động bán mang về của các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống) trừ một số trường hợp cụ thể được quy định…

Đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu từ nay đến cuối năm 2021 vẫn là tập trung mọi nguồn lực để phòng chống và kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, việc bảo vệ sinh mệnh, tạo sinh kế cho người dân là trên hết, trước hết. Vì mỗi người dân khỏe mạnh thì phường xã quận huyện mới khỏe mạnh, thành phố này mới khỏe mạnh. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu bên cạnh việc chủ động chuẩn bị tuân thủ phương châm làm việc “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã bàn thảo các giải pháp quyết liệt nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Nha

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố và các quận huyện thực hiện tốt 2 nhiệm vụ song song, đồng hành là đảm bảo sinh mệnh và tạo sinh kế cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu đói, thiếu lương thực thực phẩm thiết yếu. Cùng với đó, sớm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và minh bạch nhằm sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Còn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị HĐND thành phố cần tập thảo luận và đưa ra các giải pháp để trung triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp theo các quy định của Trung ương và thành phố. Chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; các địa phương phải thường xuyên rà soát, cập nhật, không bổ sót đối tượng cần hỗ trợ, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn.

Hoàn thành việc hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là cho người lao động bị mất việc làm, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó cần rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, với tinh thần rõ đối tượng đến đâu thì hỗ trợ ngay đến đó. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các biện pháp phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp để đảm bảo cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh.

Xuân Nha