Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Thanh tra Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh Nghệ An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long; Trưởng Ban Dân tộc Vi Văn Sơn; đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Văn Khánh đã thông tin tóm tắt về kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại Nghệ An. Theo đó, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên; dân số 1.197.628 người, chiếm gần 36% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào DTTS có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc với 5 DTTS chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Có 27 xã biên giới tiếp giáp với các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo quyết định phê duyệt, Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Nghệ An thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, gồm 131 xã. Địa bàn thực hiện Chương trình đều ở khu vực các huyện miền núi. Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai 10 Dự án, 14 Tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư, có 8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, ở tỉnh cũng đang thực hiện 4 chính sách dân tộc do UBDT chủ trì quản lý, chỉ đạo gồm: Chính sách theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”; chính sách đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách cho đồng bào DTTS tại các địa phương có khả năng xảy ra di cư tự do; chính sách theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”.
Đến 30/9/2023, UBND tỉnh đã giao dự toán 100% vốn sự nghiệp năm 2022, 2023. Đối với vốn đầu tư phát triển đã dự toán nguồn vốn năm 2022: Đã giao 454,513/492,540 tỉ đồng và năm 2023: Đã giao 553,351/623,118 tỉ đồng. Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thành phần, bám sát tiến độ được giao.
|
|
|
Phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định về việc thanh tra thực hiện Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long thông tin: Nghệ An đã rất bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong việc triển khai thực hiện các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 sẽ là đòn bẩy quan trọng để nâng cao đời sông vật chất, tinh thần cho bà con vùng DTTS và miền núi.
Ngay khi triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc, khẩn trương. Là cơ quan đầu mối chủ trì, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp có trách nhiệm, bám sát UBND tỉnh, các sở ngành để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 giao các đơn vị, địa phương tại Nghệ An thực hiện là 2,.649 tỉ đồng. Hiện nay, tổng dự toán nguồn vốn năm 2022 giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện là 794,972 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển 492.540 triệu đồng; vốn sự nghiệp 302.432 triệu đồng).Tổng dự toán nguồn vốn năm 2023 giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện là 1,473 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển 632.118 triệu đồng; vốn sự nghiệp 841.021 triệu đồng).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, tỉnh sẽ phối hợp tốt với đoàn thanh tra trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, nội dung liên quan… để cuộc thanh tra đạt kết quả.
|
|
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông phát biểu tại Hội nghị.
|
Về phía cơ quan Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông nhấn mạnh vai trò của công tác thanh kiểm tra đối với việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc. Riêng tại Nghệ An, là tỉnh lớn, nhiều thành phần dân tộc; đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc có tác động rất lớn đến tỉnh, đến bà con vùng DTTS của tỉnh.
Vì vậy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng: Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ làm cho việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại Nghệ An được tốt hơn, từ đó sẽ tác động tích cực đến đối tượng thụ hưởng là người dân các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định 451 ngày 26/9/2023 về việc thanh tra thực hiện Chương trình MTQG 1719 và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc tại Nghệ An, Đoàn Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra một số nội dung, như: Việc thực hiện Chương trình MTQG 1719. Thời kỳ thanh tra từ năm 2021 đến thời điểm thanh tra. Thanh tra việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng chính phủ. Thời kỳ thanh tra: Từ năm 2018 đến năm 2021. Thanh tra thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12 ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Thời kỳ thanh tra từ năm 2020 - 2022.
Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra có 5 thành viên, trong đó Phó Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc Trần Phi Trường làm Trưởng đoàn.