Đào tạo nghề miễn phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số
Trường là địa chỉ tin cậy để con em đồng bào tìm đến học tập để vươn lên thoát nghèo. Với những thành tích và cống hiến của Nhà trường xứng đáng được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trao đổi với phóng viên, thầy Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An là 1 trong 18 trường chuyên biệt của cả nước, chuyên đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Nghệ An. Số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số học tại trường hàng năm chiếm 97%, đa phần học sinh thuộc đối tượng gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh khuyết tật.
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ở vùng dân tộc thiểu số này, học sinh nội trú được hưởng chế độ chính sách nội trú miền núi hàng tháng, bằng mức lương cơ sở, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm mỗi khoá ban đầu 1 triệu đồng mua chăn chiếu, màn, bảo hộ lao động…; hỗ trợ tiền đi, về 1 lần/năm; ngoài ra, học sinh học tại trường được ở nội trú ký túc xá miễn phí, hỗ trợ tiền điện nước và có nhiều chế độ học bổng trong kỳ học tập…
|
|
Số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số học tại trường chiếm 97%. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 6 nghề trình độ trung cấp, hơn 10 nghề trình độ sơ cấp, trong đó có 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia, gồm: nghề điện, hàn và nghề may thời trang. Học sinh học tập, đào tạo nghề tại nhà trường được miễn, giảm học phí và được trợ cấp chế độ nội trú học nghề trung cấp, cao đẳng nội trú. Sau 15 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã đào tạo, liên kết, phối hợp, hỗ trợ đào tạo cho trên 16.900 lao động. Trong đó, trình độ trung cấp trên 4.800 học sinh; trình độ sơ cấp trên 12.000 học viên.
Năm học 2022 – 2023, toàn trường có 27 lớp trung cấp, với 832 học sinh, trong đó, học sinh đạt loại giỏi và xuất sắc chiếm 11,9 %; loại khá 50,8 %; loại trung bình 37,3%.
Cũng trong năm học qua, nhà trường có 2 dự án ý tưởng khởi nghiệp của học sinh lần đầu tiên tham gia cấp tỉnh, trong đó, có 1 dự án đạt giải Nhất, 1 dự án đạt giải Khuyến khích; 1 dự án đạt giải tại cuộc thi ý tưởng toàn quốc được tổ chức tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, TP. Hồ Chí Minh; có 18 giáo viên tham gia giáo viên dạy giỏi cấp trường đều đạt giải, trong đó, có 4 giải Nhất được nhà trường cử tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh trong tháng 10/2023, kết quả cả 4 nhà giáo đạt giải cao trong Hội giảng, gồm: 3 giải nhì và 1 giải ba; có 8 học sinh đạt kỳ thi tay nghề cấp trường, 1 học sinh đạt kỳ thi tay nghề cấp tỉnh; có 8 thiết bị đào tạo tự làm đạt giải cấp trường, 2 thiết bị được cử đi tham gia và đều đạt giải tại Hội thi thiết bị tự làm cấp tỉnh.
|
|
Trường tổ chức thi tay nghề cho các em học viên. Ảnh: Nhà trường cung cấp. |
Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, UBND các huyện tổ chức và tham gia được 52 đợt tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho học sinh, người lao động trong khu vực.
Bước sang năm học 2023 - 2024, Nhà trường đã tuyển mới 1.425/1.175 chỉ tiêu, đạt 121,3% chỉ tiêu tỉnh giao (Trong đó: trình độ Trung cấp: 595/555 chỉ tiêu đạt 107,2%).
Đào tạo đa dạng ngành, nghề gắn với giới thiệu việc làm
Nhiều năm qua, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An đã chủ động phối hợp với các nhà trường, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về phân luồng, chương trình dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm.
Ngay từ đầu năm, nhà trường đã phối hợp với chính quyền huyện, xã, các thôn bản để nắm bắt thông tin, khảo sát nhu cầu học nghề và tư vấn, mở lớp ngắn hạn theo nguyện vọng của nhân dân, có sự giám sát của địa phương.
Công tác phối hợp trong tư vấn, phân luồng học sinh sau THCS, THPT để tuyển sinh hệ trung cấp được nhà trường đặt lên hàng đầu. Chỉ tiêu và địa bàn tuyển sinh được giao cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, Ban Giám hiệu trực tiếp tham gia và chỉ đạo.
|
|
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An ký biên bản hợp tác giai đoạn 2022 – 2025. |
Việc tuyên truyền, tư vấn được tổ chức sâu rộng dưới nhiều hình thức: treo thông báo tuyển sinh tại các vị trí trung tâm xã, trường học, thôn bản, tổ chức hội nghị phân luồng cấp huyện, hội nghị cấp trường tại 100% các trường THCS trong khu vực và trực tiếp tư vấn đến tận gia đình học sinh.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, cập nhật thị trường, gần đây, nhà trường tiếp tục chỉnh sửa chương trình phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, bổ sung mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học theo quy định của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, gia đình học sinh ký cam kết 3 bên (Gia đình - Nhà trường - Doanh nghiệp) để giải quyết việc làm cho học sinh sau khi ra trường.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp cùng kiểm tra, đánh giá chất lượng của học sinh. Chỉ có doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động mới có thể đánh giá một cách chính xác xem giáo trình đào tạo của nhà trường đã phù hợp hay chưa, cần phải điều chỉnh những gì; tay nghề học sinh đến đâu, đáp ứng được theo nhu cầu đặt ra của doanh nghiệp hay còn phải bổ sung gì thêm… Đây là khâu rất quan trọng và cần thiết, giúp cho học sinh sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm ổn định từ tay nghề của chính mình.
Sau khi học sinh hoàn thành được 2/3 kỹ năng chương trình đào tạo, được nhà trường tổ chức cho đi thực tập tại doanh nghiệp từ 2-4 tháng. Tại đây, học sinh được doanh nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để được thử tay nghề, làm quen với tác phong công nghiệp. Doanh nghiệp còn phải chi trả một phần tiền công cho học sinh thực tập, giúp các em có thêm thu nhập, phấn khởi hơn với việc làm của mình. Mặt khác, qua mỗi đợt thực tập này, giúp nhà trường điều chỉnh chương trình, cách dạy và quản lý học sinh.
|
|
Sau khi tốt nghiệp ra trường, các học viên được doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng, đón đưa đi làm việc. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Để giúp bảo đảm cân đối giữa cung và cầu nguồn nhân lực, nhà trường bàn bạc với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo (cả về số lượng và chất lượng) công khai cho học sinh biết chỉ tiêu tuyển dụng và quyền lợi người học. Hai bên phối hợp tổ chức thi tay nghề và tuyển dụng học sinh vào làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn giám sát việc bố trí việc làm phù hợp với năng lực của học sinh, giám sát nơi ăn, ở, làm việc có đảm bảo an toàn, các chế độ, chính sách của doanh nghiệp đối với học sinh có đúng như cam kết đã ký với nhà trường hay không. Nhờ vậy, học sinh rất phấn khởi, an tâm khi vào học ở trường và có cuộc sống đảm bảo sau khi tốt nghiệp.
Từ những phương pháp giáo dục, phương châm đào tạo nghề gắn liền với việc làm, nên 100% học sinh tốt nghiệp đã được nhà trường giới thiệu cho doanh nghiệp; tỷ lệ học sinh đi làm cho doanh nghiệp đạt trên 87%, với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng … nhiều học sinh hiện nay đi làm, được doanh nghiệp cử đi học thêm để về làm tổ trưởng, nhóm trưởng và doanh nghiệp đánh giá học sinh ở đây có tay nghề đảm bảo và đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài; Trường cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hệ sơ cấp dành cho lao động là người dân tộc thiểu số, qua đó giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và tăng thu nhập cho gia đình.
Cần xem xét chế độ trường chuyên biệt cho giáo viên
Ngày 25/11/2019, Trường trung cấp dân tộc nội trú được Bộ Lao động TBXH công nhận là 1 trong 18 trường chuyên biệt của cả nước chuyên đào tạo cho người dân tộc thiểu số theo Quyết định 1769/QĐ-LĐTBXH. Tuy nhiên, giáo viên nhà trường vẫn chưa được hưởng chính sách nội trú như các trường chuyên biệt khác theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để giáo viên, nhân viên Nhà trường yên tâm giảng dạy, cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo nghề, Nhà trường kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét chế độ trường chuyên biệt đối với giáo viên. Học sinh vào học tại trường mới tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, ở vùng sâu vùng xa là người dân tộc thiểu số đến tập trung ở nội trú tại trường nên mỗi giáo viên không chỉ là dạy kiến thức, dạy kỹ năng nghề, kỹ năng mềm mà còn phải tham gia quản lý học sinh nội trú, hàng đêm, các ngày nghỉ nhà trường phải phân công cán bộ, giáo viên tham gia trực.
|
|
Giáo viên nhà trường không chỉ là dạy kỹ năng nghề, kỹ năng mềm mà còn phải tham gia quản lý học sinh nội trú. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Mặt khác, Nhà trường mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn, nhất là trong viêc tuyên truyền và thực hiện tốt việc phân luồng để làm sao số lượng học sinh đi học nghề đạt từ 25-30%; đặc biệt ở miền núi vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền chống tệ nạn tảo hôn cần đẩy mạnh để các em có điều kiện học tập và tham gia các sinh hoạt cộng đồng khác và học nghề…
Phát huy những thành tựu đã đạt được, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An phấn đấu không ngừng vươn lên xứng đáng là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao cho đồng bào dân tộc thiểu số, xứng đáng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; góp phần cùng địa phương “xóa đói, giảm nghèo”, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
|
|
Đại diện Lãnh đạo Sở LĐTBXH tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Những phần thưởng cao quý
Với những thành tích đạt được, Nhà trường đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cơ quan chức năng:
- Năm học 2020 - 2021, Nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen tại Hội thao TDTT và Giáo dục Quốc phòng An ninh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An năm 2020 với 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 3 giải Ba, Xếp thứ Nhì toàn đoàn. Nhà trường đã tổ chức Hội giảng nhà giáo cấp trường năm 2020 với kết quả có 22 giáo viên tham gia đều đạt, có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba. Có 4 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh với 3 giải Nhì và 1 giải Ba.
- Năm học 2021 – 2022, Nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và Cờ thi đua và tặng Bằng khen cho 1 cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021.
- Năm học 2022 – 2023, Nhà trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc. 1 nhà giáo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 1982 – 2022 |