Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên hoàn thiện thể chế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên dành các nguồn lực cao nhất về cơ sở vật chất, kinh phí và cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đang gây cản trở, vướng mắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, minh bạch, tính ổn định và khả thi cao. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân và doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật cần khắc phục tình trạng luật thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Trong quá trình soạn thảo văn bản, cần quán triệt quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm dân chủ trong quá trình soạn thảo văn bản, lấy ý kiến, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời cũng là người thụ hưởng chính sách, pháp luật; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, chủ động hội nhập quốc tế.
|
|
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021. (Ảnh minh hoạ - TTXVN) |
Liên quan đến đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác phòng, chống rửa tiền, giảm thiểu rủi ro; đồng thời đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền, thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, giảm thiểu các hoạt động tội phạm rửa tiền, gian lận thuế, tham nhũng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo lập môi trường xã hội an toàn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng hoàn thiện các quy định về đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền theo hướng chỉ quy định những vấn đề đã được xác định rõ ràng, đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện để triển khai thực hiện; giao Chính phủ quy định những vấn đề cấp bách, trường hợp đặc biệt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa mà các đối tượng báo cáo phải thực hiện; sửa đổi, bổ sung các biện pháp phòng ngừa mà các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng.
Hoàn thiện các chính sách về đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo trong việc thực hiện định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền; phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro; các biện pháp nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, giảm nhẹ hoặc tăng cường phù hợp với nhóm khách hàng, lĩnh vực có rủi ro thấp hoặc cao về rửa tiền.
Hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền và đơn vị đầu mối thực hiện chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng cũng không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các tổ chức và cá nhân.
Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thúc đẩy có hiệu quả việc thực hiện Đề án và quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm kiểm soát dòng tiền, hỗ trợ công tác phòng, chống rửa tiền.
Rà soát chính sách về trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng chống rửa tiền theo hướng phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý liên quan đến tiền và vàng, các bộ, ngành quản lý các tài sản vật chất, hàng hóa khác; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan đối với các đối tượng báo cáo mới, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan.
Nghị quyết của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập đến các nội dung cụ thể liên quan đến đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật lưu trữ (sửa đổi).