Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
|
|
Các đại biểu tham gia biểu quyết. |
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 460/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) có bố cục gồm 5 Điều với các nội dung về quan điểm, mục tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050; các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; tổ chức thực hiện.
Theo đó, Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia…
|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 13/11. |
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025; khẩn trương hoàn thành trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản theo thẩm quyền; chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền…
Đồng thời giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết…