7 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước đối mặt với tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra với mức độ diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam luôn chủ động thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời đảm bảo an sinh xã hội cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ quản lý Nhà nước, với quyết tâm kiên quyết vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã kịp thời bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả; tổ chức bộ máy BHXH các cấp tiếp tục được kiện toàn, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý của Ngành.
Đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia trong dịch bệnh
Công tác thu và phát triển đối tượng tham gia
- Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các đơn vị, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Ước đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 01 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu. Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, tính đến hết ngày 30/6/2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và với số tiền khoảng 475 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 của Chính phủ, được sự nhất trí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 2884/LĐTBXH-BHXH ngày 03/8/2020 đối với dự thảo văn bản hướng dẫn tiếp tục tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của BHXH Việt Nam, ngày 10/8/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2533/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương về việc tiếp tục thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 12/2020.
- Công tác phát triển đối tượng tham gia của Ngành bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch bệnh COVID-19, ước đến ngày 31/7/2020, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,271 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,534 triệu người (giảm 655 nghìn người so với năm 2019, đạt 90,6% kế hoạch), số người tham gia BHXH tự nguyện là 737 nghìn người (tăng 163 nghìn người so với năm 2019, đạt 61,4% kế hoạch); số người tham gia BHTN là 12,725 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của Ngành; số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của Ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.
Có thể thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh, nhưng nhờ vận dụng những giải pháp truyền thông sáng tạo, phù hợp, số người tham gia BHXH tự nguyện trong toàn Ngành tiếp tục gia tăng. Đây là “điểm sáng” trong công tác phát triển đối tượng của ngành BHXH trong thời gian qua.
Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN
Trong lúc tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm COVID-19; thực hiện thanh toán chi KCB BHYT và sử dụng kinh phí từ quỹ KCB BHYT hỗ trợ chống dịch COVID-19; cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch COVID-19 để đảm bảo giãn cách xã hội,… Đặc biệt, phối hợp với cơ quan Bưu điện triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 trong cùng một kỳ chi trả tháng 4 trên toàn quốc, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người hưởng.
Ước đến ngày 31/7/2020, toàn Ngành đã: giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH 1 lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BHTN (trong đó: 572.813 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 7.821 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề); thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 92,490 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú.
Tiếp tục triển khai các hình thức truyền thông đồng bộ, đa dạng
BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN rộng khắp với các nội dung phong phú, đi sâu phản ánh về lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách BHXH, BHYT phù hợp với từng thời điểm, đặc biệt là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.
BHXH Việt Nam đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch truyền thông cao điểm “Ngành BHXH chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19”, trong đó, đặc biệt đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn tình trạng mạo danh cơ quan BHXH thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi bất chính trong đợt dịch COVID-19; phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức có hiệu quả 02 Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tại các địa phương trên toàn quốc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… góp phần gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian qua.
Công tác thanh tra, kiểm tra: Ước đến tháng 7/2020, toàn Ngành đã tiến hành thanh tra kiểm tra tại 3.465 đơn vị (trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng tại 1.478 đơn vị, kiểm tra tại 1.796 đơn vị, thanh tra kiểm tra liên ngành tại 191 đơn vị), phát hiện: 3.651 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 31.534,2 triệu đồng; 11.563 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 53.806,6 triệu đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 487.578 triệu đồng (trong đó, đã nộp trong thời gian thanh tra là 112.231,9 triệu đồng). Ban hành 108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phải thu là 7.576,6 triệu đồng (số tiền xử phạt đã thu là 4.897,3 triệu đồng, đạt 64,6%).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT): Công tác cải cách TTHC tiếp tục được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Việc rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia theo lộ trình, mục tiêu tại Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; thực hiện cung cấp 722 tài khoản cho các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về TTHC trên Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia; triển khai các giải pháp kỹ thuật để kết nối, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đến nay đã cung cấp được 13 dịch vụ công. Ngoài ra, đã tích hợp, cung cấp thêm 03 dịch vụ công để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2020
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới các công tác thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Ngành trong năm, đặc biệt là công tác thu và phát triển đối tượng. Với quyết tâm, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo ngày một tốt hơn các quyền lợi an sinh của người tham gia, trong 5 tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản gồm:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ gồm: Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; xây dựng các giải pháp phấn đấu thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT của địa phương theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành (từng tháng, quý, cả năm) nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của Ngành năm 2020; đồng thời, tập trung nguồn lực để tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước ngành BHXH lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
Thứ bảy, phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công ích; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Thứ chín, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; cập nhật, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; hoàn thiện các quy tắc quản lý, khai thác, phân cấp sử dụng các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ cho công chức, viên chức trong toàn Ngành./.