Mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
Cập nhật lúc 20:44, Thứ sáu, 03/07/2020 (GMT+7)
Hiện nay nhiều người muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện song không rõ mức hưởng lương hưu là bao nhiêu? Tôi muốn hỏi tham gia BHXH tự nguyện thì người tham gia sẽ được hưởng lương hưu như thế nào? Có được thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện không?(Đặng Thanh Vân, Bắc Ninh).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động (quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này,) hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg quy định, mức chuẩn hộ nghèo
là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).
Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện:
Theo Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng với số tiền:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu:
Từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm như sau:
Lao động nam nghỉ hưu năm 2020 sẽ là 18 năm, nghỉ hưu năm 2021 là 19 năm và 20 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022.
Đối với lao động nữ là 15 năm.
Sau đó cứ mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH: Bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng BHXH một lần theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động và Điều 7 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Mức hưởng BHXH một lần được thực hiện theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội, Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.
Mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm (12 tháng) được tính bằng 22% của tổng các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Trong đó, mức thu nhập tháng đã đóng BHXH để tính hưởng BHXH một lần được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.
Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01-6 tháng được tính là nửa năm, từ 7-11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp có thời gian đóng BHXH cả trước và sau ngày 1/1/2014 mà thời gian đóng trước ngày 1/1/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1/1/2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 77 của Luật Bảo hiểm xã hội. Việc tính mức hưởng BHXH một lần được thực hiện theo quy định trên, sau đó trừ đi số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ của từng tháng đã đóng BHXH tự nguyện.
Có được thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện?
Theo Điều 11 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định: Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Để thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH cần chuẩn bị hồ sơ gồm sổ bảo hiểm xã hội và Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội. Nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Thời gian giải quyết là trong ngày đối với trường hợp nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Luật sư: Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội)