3 tháng cuối năm 2021, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão
Vừa qua, tại Đà Nẵng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung. Tham dự Hội nghị có đại diện 10 tỉnh, TP khu vực miền Trung và một số Bộ ngành. Ngoài ra, Hội nghị còn kết nối trực tuyến tới các huyện, xã trọng điểm về phòng chống thiên tai thuộc 10 tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên.
Báo cáo tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản làm 249 người chết, mất tích. 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 lượt nhà bị ngập. Nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.
|
|
Lệ Thủy (Quảng Bình) là một trong những nơi bị nước lũ nhấn chìm trong đợt mưa lũ năm 2020. |
Còn trong năm 2021, các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão (bão số 2, bão số 5, bão số 6, bão số 7, bão số 8). Tính riêng từ giữa tháng 9/2021 đến nay, các tỉnh miền Trung hứng chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 5 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800-1.500mm, một số nơi mưa lớn hơn trên 2.000mm. Bão, mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.
Tuy không khốc liệt như năm 2020, nhưng hoàn lưu các cơn bão đã gây ra các đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại không nhỏ cho người dân các tỉnh miền Trung, điển hình là các cơn bão số 5 và số 6. Thiên tai từ đầu năm 2021 tại khu vực miền Trung đã làm 38 người chết, mất tích. 39 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 970 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 85.806ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. 109.771m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông bị tắc nghẽn do ngập lụt, sạt lở với khối lượng 1.077.556m3. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 2.100 tỷ đồng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai quyết liệt, chủ động phương án ứng phó kịp thời. Các địa phương đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân.
Cần thu hẹp phạm vi dự báo bão
Tại Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, đại diện một số địa phương cũng nêu các giải pháp để công tác phòng, chống thiên tai được tốt hơn. Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong phòng chống thiên tai, vai trò công tác dự báo rất quan trọng. Nếu như làm chính xác, thu hẹp được phạm vi dự báo thì công tác ứng phó, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở thuận lợi và chủ động hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay hầu hết các địa phương ở miền Trung đều có sự tương đồng về địa hình, khí hậu... nên Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần tổ chức những hội thảo để các địa phương cùng chia sẻ cách làm hay, từ đó có cách làm chung hiệu quả và tốt nhất.
|
|
Ước tính thiệt hại về kinh tế trong mùa mưa lũ năm 2020 là trên 36.000 tỷ đồng. |
Tương tự, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi bị thiên tai, yếu tố "4 tại chỗ" là đặc biệt quan trọng, nhất là ứng cứu người bị thương rất hiệu quả. Tuy nhiên nói thì dễ nhưng để làm được cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và Quảng Nam luôn luôn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác “4 tại chỗ” này. Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp, di dời 7 ngàn hộ dân, đặc biệt là người dân vùng núi, vùng có nguy cơ sạt lở, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng.
Ông Hồ Quang Bửu cũng cho rằng, để công tác phòng chống thiên tai hiệu quả, thì cần phát huy đội xung kích trong phòng chống thiên tai và Trung ương nên nghiên cứu khung phòng chống thiên tai thích ứng cho cả ba miền, làm sao để người dân sống an toàn trong biến đổi của khí hậu hiện nay.
Về phía Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua. Ông Trần Quang Hoài cho biết, hiện công tác dự báo rất là khó khăn, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
|
|
Vụ sạt lở núi ở xã Trà Leng huyện Nam Trà My, Quảng Nam năm 2020 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xóa tạm cấp, huy động nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021 vừa qua.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ còn có thể xảy ra trong tháng 12/2021, đảm bảo an toàn về người và sản xuất, nhất là sắp đến thời gian xuống giống vụ Đông Xuân 2021-2022. Triển khai nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn về chính sách xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.