Tính đến ngày 24/10, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm 148 người chết và mất tích tại các tỉnh miền Trung. Những thiệt hại về vật chất là rất lớn, nhiều người dân các tỉnh miền Trung nhất là các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mất nhà cửa, mất hết của cải.

Một người phụ nữ trung niên khi được lực lượng cứu hộ đến để đưa về nơi an toàn đã bật khóc nức nở mà nói rằng “mất hết rồi, tài sản bao nhiêu năm làm được giờ mất hết rồi, giờ chỉ còn cái thân già này thôi”.

leftcenterrightdel
 Người dân miền Trung đang phải hứng chịu một trận "đại hồng thủy".

Một câu nói chỉ gói gọn trong 20 chữ nhưng chất chứa sự đau khổ đến tột cùng mà người phụ nữ này cũng như hàng ngàn người dân miền Trung đang phải gánh chịu.

Mẹ thiên nhiên cho con người cuộc sống, nhưng một khi đã nổi giận, mẹ thiên nhiên lại tàn phá hết những gì mà con người cả một đời tích cóp gây dựng. Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên, đành bất lực nhìn tài sản của mình trôi theo dòng nước lũ.

Những ngày qua, những hình ảnh thảm khốc của trận lũ lụt được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là hình ảnh những người dân đói rét, ngồi co ro trên những mái nhà nhìn xung quanh là nước ngập mênh mông. Mưa quá dữ dội, lũ lên quá nhanh khiến những người miền Trung vốn đã quen với cảnh bão lũ cũng không kịp trở tay. Lực lượng cứu hộ và chính quyền các địa phương đã nỗ lực hết sức mình để lo cho con dân mình nhưng vẫn không xuể.

leftcenterrightdel
Tài sản mà người dân gây dựng được phút chốc bị nhấn chìm trong nước lũ

Vùng Lệ Thủy-Quảng Bình gần như nước ngập 100% nhà dân, chạy đi đâu bây giờ khi toàn huyện ngập chìm trong nước lũ.

Chỉ trong một tuần, người dân huyện Lệ Thủy phải liên tiếp hứng chịu hai trận lũ lớn. Nước ở đợt lũ trước chưa kịp xuống hết thì nước ở đợt lũ sau lại đổ về với tốc độ nhanh khiến người dân rơi vào hoàn cảnh hết sức khốn đốn, nhiều nhà dân vùng hạ du bị ngập nặng, người dân phải lên mạng xã hội cầu cứu.

Vùng Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thường ngày là một nơi thơ mộng, có núi đá vôi ngã bóng xuống dòng sông Son nước biếc làm nao lòng du khách bốn phương nhưng trong nước lũ chỉ là một vùng trắng xóa nước đục. Đó là một vùng cô lập hoàn toàn, xã Sơn Trạch, một lần nữa lại thành một xã “sạch trơn” khi nước lũ ngập chìm cuốn trôi tất cả.

leftcenterrightdel
Hình ảnh Chủ tịch xã An Thủy, Lệ Thủy bơi trong nước lũ cứu dân 

Cán bộ, lực lượng chức năng họ cũng phải bỏ lại gia đình mình, người thân mình để bì bõm bơi trong nước lũ để đi cứu dân.

Đoạn video ghi lại cảnh Chủ tịch xã An Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) Lê Văn Quyết cùng các cán bộ liều mình bơi trong dòng lũ chảy xiết cứu được hơn 100 người thoát chết được chia sẻ trên mạng xã hội cũng đủ để thấy cán bộ đã nỗ lực như thế nào để cùng chia sẻ nỗi khổ với người dân.

Đến bây giờ trong ký ức của nhiều người vẫn lưu lại trận lũ lịch sử xảy ra năm 1999. Trận “đại hồng thủy” năm ấy là một ký ức kinh hoàng không thể nào quên đối với người dân các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trận lụt năm ấy đã khiến 595 người thiệt mạng riêng Huế là 352 người. Nhưng sau hơn 10 năm, năm nay mưa lũ lại gây tang thương khắp nhiều tỉnh miền Trung khiến nhiều người bàng hoàng nhớ đến những ký ức đã qua.

leftcenterrightdel
Hình ảnh con trâu đứng chơ vơ trên mái nhà không đường xuống đất 

Trận “đại hồng thủy” năm nay đã khiến 148 người chết và mất tích, 885 nhà bị hư hỏng, 326 nhà bị ngập sâu. 1.418 ha lúa bị ngập; 7.871 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đau lòng thay, có những sự mất mát khiến người dân cả nước phải rơi lệ.

13 cán bộ chiến sỹ của Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 đã phải hi sinh tính mạng của mình trên đường đi cứu dân trong vùng sạt lở thủy điện Rào Trăng. Cầm lòng sao được trước hình ảnh người chồng gào khóc bất lực trước mênh mông nước lũ khi người vợ và đứa con đã đến ngày nhưng vẫn chưa kịp cất tiếng khóc chào đón cuộc sống đã phải lìa thế gian nằm lại giữa dòng nước lũ.

Với người nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng lũ về đã cuốn trôi tất cả. Nhà cửa đổ sập, trâu bò lợn gà trôi sạch theo dòng nước lũ hung tợn. Hình ảnh một con bò trôi nằm vắt vẻo trên một cây cột điện, hay hình ảnh một con trâu đứng trên mái nhà chênh vênh khi nước rút khiến người ta hình dung ra mức độ ngập như thế nào.

Nước lũ lên cao, trâu là loài giỏi bơi đã bơi lên đứng trên mái nhà giờ nước rút xuống, con trâu vẫn đứng trên mái nhà cách mặt đất 5-6m mà không thể xuống được.

leftcenterrightdel
 Lệ Thủy (Quảng Bình) là một trong những huyện bị nước lũ nhấn chìm

Lũ rồi cũng sẽ tạm qua, nhưng để ổn định lại cuộc sống thì người dân chịu ảnh hưởng của lũ phải rất, rất lâu mới có thể vực dậy được kinh tế gia đình. Người dân miền Trung đang tạm qua những ngày mắc kẹt trên mái nhà đói rét và khản tiếng kêu cứu.

Nhưng để người dân miền Trung tôi ổn định cuộc sống thì ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước vẫn cần lắm những tấm lòng tương thân tương ái của người dân cả nước. Thương lắm miền Trung ơi!

Xuân Nha