Đó là nội dung Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 14/5 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, vừa gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 

Theo Công điện, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép và nhập cảnh với mục đích tìm việc làm không đúng quy định của pháp luật lao động đang xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện:

Rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương. Trên cơ sở đó, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp,… Kiên quyết không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp. Báo cáo kết quả rà soát về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) trước ngày 25/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa.

Kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ và khoản 1 Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019 (Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh)

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động (hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động) và không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các quy định của cơ quan y tế. Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4/2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%.

Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi như: làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật; sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước.

Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:

- Từ 30 - 45 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người.

- Từ 45 - 60 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người.

- Từ 60 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

 

Lập Công ty, lừa hàng trăm người đi xuất khẩu lao động

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Đoàn Duy Bình (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hajime) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến năm 2011, Bình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau khi về Việt Nam, Bình đi dạy tiếng Nhật tại các trung tâm.

Năm 2014, Bình thành lập Công ty Hajime nhưng không hoạt động kinh doanh do nợ tiền nhiều người bên ngoài xã hội. Trong thời gian đi xuất khẩu lao động và dạy tiếng Nhật, Bình quen biết với Hồ Thị T. (SN 1985), Lê Thị L. (SN 1981) và Nguyễn Thị H. (SN 1988).

Những người này giới thiệu cho Bình tổng cộng 104 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Do đang thiếu nợ tiền của nhiều đối tượng bên ngoài xã hội nên Bình nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền để tiêu xài, trả nợ.

Người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sẽ được Bình tư vấn thủ tục, trình tự, hồ sơ và mức tiền phải đóng. Nếu đồng ý đi thì ứng trước cho Bình từ 30 triệu đồng đến 115 triệu đồng. Bình nhận tiền cọc của 104 người bằng hợp đồng nguyên tắc để ký hợp đồng vay tiền có công chứng.

Các nạn nhân học tiếng Nhật gần hết khóa, Bình tiếp tục tạo niềm tin bằng cách ký hợp đồng thực tập kỹ năng, thu hộ chiếu của họ. Bình yêu cầu các nạn nhân đóng tiền đợt 2 từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Với thủ đoạn này, Bình đã chiếm đoạt tổng cộng 104 người với số tiền 11,2 tỉ đồng và 11.200 USD. Số tiền này Bình tiêu xài, trả nợ giang hồ, cá độ bóng đá

 

 


PV