Những con số báo động
Về số lượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, theo báo cáo của Công an các tỉnh, hiện tại 39 địa phương báo cáo có 199 vụ với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.
“Nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam; mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn; ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt. Do vậy, cần phải ngăn chặn quyết liệt", Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Điển hình, vào đầu tháng 5, cơ quan chức năng đã phát hiện năm địa điểm tại phường Liên Bảo và phường Khai Quang (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) do Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ở số nhà 47, đường Nguyễn Thiệu Chí, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) đứng ra thuê nhà để tổ chức cho 52 người Trung Quốc lưu trú trái phép.
|
|
Cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại chung cư Florence số 28 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. |
Còn tại Hà Nội, Công an thành phố đang tiến hành xác minh, điều tra 46 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và thuê tại chung cư Florence (số 28 Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm).
Việc 46 người Trung Quốc cư trú trái phép tại chung cư cao cấp này khiến nhiều cư dân tại đây không khỏi lo lắng và bất an. Nhiều người dân cho rằng, phía Ban Quản lý tòa nhà còn quản lý khá lỏng lẻo, chưa chặt chẽ nên không ai hay biết.
Trước tình trạng nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa khi dịch COVID -19 có nhiều diễn biến phức tạp, chiều ngày 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chia sẻ với các báo chí về tình hình nhập cảnh trái phép trong thời gian qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: từ đầu năm đến nay, có khoảng 150 nghìn người nhập cảnh; trong đó, nhập cảnh qua đường bộ khoảng 110 nghìn người, nhập cảnh qua đường hàng không khoảng 40 nghìn người. Số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam rất đông, bao gồm các chuyên gia, người Việt Nam trở về.
Trong thời gian tới, lực lượng Công an sẽ truy vết, sớm khởi tố và khởi tố kiên quyết đối với người nhập cảnh trái phép, người môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép...
Người nhập cảnh trái phép nếu không bị COVID-19 sẽ bị đưa trở lại nơi xuất phát. Những nhà nghỉ không thực hiện đúng quy chế có thể bị rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp hình sự.
Phải phát huy sức mạnh của nhân dân
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát qua lại biên giới đang có lỗ hổng nên người nước ngoài mới xâm nhập được vào lãnh thổ Việt Nam. Nhưng Biên phòng, Công an không đủ lực lượng phủ kín cả tuyến biên giới. Bởi vậy, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng, phải phát huy sức mạnh và tinh thần cảnh giác của nhân dân để ngăn chặn tình trạng này.
Hơn nữa, với đường biên giới dài, đường mòn, lối mở khắp nơi rồi sông nước mênh mông ở biên giới Tây Nam, bởi vậy, cần phát huy được “tai mắt” của nhân dân. Bên cạnh đó, cần đặt ra trách nhiệm của Ban Quản lý khu nhà chung cư, nơi phát hiện những người nước ngoài nhập cảnh trái phép cư trú cũng như Công an khu vực, chính quyền sở tại.
Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho rằng: “Thời gian qua, các cấp, các ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc rà soát người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép vào nước ta. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc rà soát, kiểm soát vấn đề người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trong nội địa cần thiết phải làm chặt chẽ để tránh việc họ mang mầm bệnh vào nước ta”.
Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến còn nhấn mạnh, điều quan trọng chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa. Như vậy, cơ quan chức năng địa phương, chính quyền các cấp từ trưởng ngõ, trưởng xóm, trưởng nhà các khu dân cư đến tổ trưởng tổ dân phố, Chủ tịch cấp xã cần phải nắm bắt kịp thời khi địa phương xuất hiện những đối tượng lạ, có dấu hiệu nghi vấn phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Xử lý nghiêm để tăng tính răn đe
Để tăng tính răn đe đối với những người tiếp tay, tổ chức môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị phải xử lý thật nghiêm để răn đe. Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 348, Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt lên đến 15 năm tù khi thực hiện đối với 11 người trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người.
Đặc biệt, nếu đối tượng biết những người nhập cảnh mắc COVID-19, nhưng vẫn tổ chức cho nhập cảnh trái phép thì còn có thể bị xử lý thêm tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt cao nhất đến 12 năm tù nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Cũng theo Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, để lấp “lỗ hổng” quản lý người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép tại các khu dân cư, nhà chung cư, trước tiên, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ được những nguy cơ, nguy hiểm khi để người nước ngoài nhập cảnh trái phép, lưu trú trong khu dân cư. Đặc biệt, trách nhiệm của Cảnh sát khu vực, Tổ trưởng tổ dân phố, chính quyền sở tại phải làm tốt công tác khai báo tạm trú, tạm vắng trên địa bàn để nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn kịp thời người nhập cảnh, lưu trú trái phép.