Cách ly y tế là gì? Áp dụng với đối tượng nào? Có mấy biện pháp cách ly y tế?
Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp:
+ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đó là “1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế...”
+ Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.
- Biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu áp dụng đối với các trường hợp:
+ Người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch thuộc nhóm A;
+ Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.
- Biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế tại của khẩu vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.
Về thầm quyền, trình tự thủ tục và thời hạn áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện theo quy định của Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và phòng chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Người bị áp dụng cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được hưởng chế độ gì?
Theo quy định của Điều 14 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách lý, cưỡng chế cách ly y tế và phòng chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được hưởng chế độ như sau:
Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định này được miễn viện phí.
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ y tế; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám, điều trị do Quỹ bảo hiểm xã hội thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì chi phí cho việc bảo quản, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Các cơ sở thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có trách nhiệm cung cấp bữa ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bảo đảm kịp thời, thuận lợi. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ miễn phí tiền ăn cho các đối tượng là người nghèo.