Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Oanh - Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Phạm Ngọc Oanh - Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. 

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 mà nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa dẫn đến người lao động phải đứng trước nguy cơ bị mất việc làm. Để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 và góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 01/07/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19. Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành thì trường hợp người lao động bị mất việc làm vì dịch bệnh COVID – 19 tùy từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể sẽ được hưởng những khoản hỗ trợ sau:

1.      Đối với những người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:

-       Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

-       Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày) được hỗ trợ với mức 1.855.000 đồng/người. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên được hỗ trợ với mức 3.710.000 đồng/người. Ngoài ra, nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

2.      Đối với những người lao động bị ngừng việc

Theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người lao động bị ngừng việc do dịch bệnh COVID – 19 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người khi đủ các điều kiện sau:

-       Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

-       Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

3.      Đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 được hỗ trợ 3.710.000 đồng/người khi có đủ các điều kiện sau:

-       Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

-       Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Ngoài ra, nếu người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

4.      Đối với những người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác

Những người lao động tự do được hiểu là những người làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc như: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; người thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; người bốc vác, vận chuyển hàng hóa, bán vé số lưu động...

Theo khoản 12, mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP thì căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ cho những người lao động tự do bị mất việc làm vì dịch bệnh COVID – 19 không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

 

Hương My