Liên quan đến câu hỏi của bạn, Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hiếu Hùng có ý kiến tư vấn như sau:

Trước đây, Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu có quy định:

“Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh Nhà nước. Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này”.

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hiếu Hùng.

Theo đó, khi ký kết các văn bản trong giao dịch, doanh nghiệp phải đóng con dấu của công ty để thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ do mình phát hành. Hay nói cách khác, các văn bản do doanh nghiệp phát hành (trong đó có bao gồm cả hợp đồng kinh tế) đều phải đóng dấu công ty thì mới khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.

Tuy nhiên, Nghị định 58/2001/NĐ-CP được triển khai căn cứ trên Luật doanh nghiệp năm 2005. Hiện nay, Luật doanh nghiệp năm 2005 đã được thay thế bằng Luật doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 58/2001/NĐ-CP cũng đã được thay thế bằng Nghị định 99/2016/NĐ-CP.

Khoản 4 Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 về việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu có quy định như sau:

“Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”.

Quy định này đã gián tiếp cho thấy việc sử dụng con dấu công ty trên giấy tờ không còn là bắt buộc, không phải là yếu tố khẳng định giá trị pháp lý của văn bản. Thay vào đó, việc sử dụng hay không sử dụng con dấu của doanh nghiệp phụ thuộc 3 yếu tố gồm:

(i) Điều lệ của công ty; hoặc

(ii) Thỏa thuận giữa các bên giao dịch; hoặc

(iii) Trường hợp quy định pháp luật chuyên gành có quy định bắt buộc sử dụng, ví dụ: Căn cứ khoản 2 Điều 24 Luật kế toán năm 2015, số kế toán là văn bản phải có chữ ký của người lập số, kế toán trưởng và đại diện theo pháp luật, đóng dấu giáp lai.

Như vậy, nếu Điều lệ công ty của bạn cũng như thỏa thuận giữa các bên giao dịch không yêu cầu bắt buộc đóng dấu trên hợp đồng kinh tế và pháp luật chuyên ngành không có quy định khác thì không bắt buộc phải đóng dấu công ty mà chỉ cần có chữ ký của người đại diện theo pháp luật là đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng.

 

Minh Giang