Tổ chức đánh bạc, được hiểu là hành vi tập hợp, rủ rê, lôi kéo nhiều người tham gia vào việc đánh bạc. Gá bạc, được hiểu là hành vi cho thuê, cho mượn, hoặc đi thuê, đi mượn địa điểm, phương tiện để cho người khác sử dụng làm nơi tập tụ đánh bạc. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định trong Điều 322 BLHS.

Các yếu tố cấu thành tội phạm

Mặt khách quan

Về hành vi. Có một trong các hành vi sau:

- Đối với tổ chức đánh bạc: có hành vi tập hợp, rủ rê, lôi kéo nhiều người (từ hai người trở lên) tham gia đánh bạc. Thông thường người đứng ra tổ chức có sự chuẩn bị, bàn bạc, sắp xếp kế hoạch đánh bạc rồi mới tập hợp, rủ rê những người khác tham gia.

- Đối với tội gá bạc: có hành vi cho thuê, cho mượn hoặc đi thuê, mượn địa điểm, phương tiện để người khác sử dụng làm nơi đánh bạc.

- Địa điểm có thể là nhà ở, phòng làm việc, cơ sở kinh doanh…(được bố trí làm nơi đánh bạc).

- Phương tiện có thể là xe, tàu…(loại phương tiện có thể bố trí thành nơi đánh bạc)

Hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc phải là trái phép, tức là không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.

 Dấu hiệu khác

Ngoài dấu hiệu về hành vi nêu trên còn phải có một trong hai dấu hiệu bắt buộc sau đây:

- Tổ chức đánh bạc, gá bạc với quy mô lớn. 

- Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên;

- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công ngưòi canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, điện thoại…để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Người thực hiện một trong các hành vi nêu trên nếu không thuộc trường hợp được coi là có quy mô lớn thì phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc bị kết án về tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đánh bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Khách thể

Cũng như đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan và tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là tội xâm phạm đến trật tự công cộng, mà trực tiếp xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội, vì cờ bạc nói chung và tổ chức hoặc gá bạc nói riêng cũng là một tệ nạn của xã hội.

Mặt chủ quan

Ngưòi phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ thể

 chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

Nếu tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô chưa lớn thì người có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Về hình phạt

Mức phạt của tội này được chia làm hai khung, cụ thể như sau:

 Khung một (khoản 1)

Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;

c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

  Khung hai (khoản 2)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

– Hình phạt bổ sung (khoản 3)

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị:phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Luật sư: Nguyễn văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội)