Luật sư Lê Anh Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến  về vấn đề này như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Anh Ngọc.

 

Các trường hợp được từ chối công chứng

Việc từ chối công chứng là một trong những quyền của Công chứng viên khi tiếp nhận các thông tin trong hợp đồng, giao dịch hoặc bản dịch vi phạm pháp luật hoặc đi ngược lại với đạo đức xã hội. Hiện nay, đối với những trường hợp được từ chối công chứng đã được ghi nhận tại Điều 56 của Luật Công chứng, cụ thể:

+ Thứ nhất, đối với trường hợp Công chứng viên có nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhận thức và làm chủ hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc bị cưỡng ép thì Công chứng viên sẽ đề nghị người lập di chúc làm rõ tình huống này, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó;

+ Thứ hai, trong trường hợp có căn cứ cho rằng hồ sơ yêu cầu công chứng có những nội dung chưa rõ ràng, việc ký kết hợp đồng hoặc các giao dịch thể hiện rõ việc bị đe dọa cưỡng ép; nhận thấy những nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu  công chứng và các đối tượng trong hợp đồng giao dịch chưa thể hiện rõ  thì Công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng có trách nhiệm làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, Công chứng viên sẽ tiến hành xác minh và yêu cầu giám định đối với trường hợp này;

 Nếu sau thời gian đã tiến hành xác minh yêu cầu giám định làm rõ thông tin nhưng lại không thực hiện được và cũng không có căn cứ để thực hiện việc công chứng thì Công chứng viên sẽ từ chối;

+ Thứ ba, khi tiếp nhận dự thảo hợp đồng, giao dịch thì Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ nội dung, hình thức những hợp đồng giao dịch này; Nếu trong dự thảo hợp đồng giao dịch ghi nhận những điều khoản nhận thấy đang vi phạm pháp luật ,đi ngược lại đạo đức xã hội; những đối tượng đề cập trong giao dịch không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì Công chứng viên phải nhanh chóng chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng tiến hành sửa chữa sao cho phù hợp. Nếu đã nhận yêu cầu từ Công chứng viên về việc sửa chữa nhưng người yêu cầu vẫn cố tình không thực hiện thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Như vậy với các quy định nêu trên trường hợp công chứng viên từ chối công chứng thông thường liên quan đến vấn đề nghi ngờ về khả năng nhận thức làm chủ hành vi của cá nhân yêu cầu công chứng, khi tồn tại sự lừa dối đe dọa hoặc cưỡng ép để người yêu cầu công chứng thực hiện những giao dịch hoặc hợp đồng thì công chứng viên có quyền yêu cầu làm rõ các thông tin và cũng có quyền từ chối công chứng.

Mặc dù pháp luật cho phép công chứng viên từ chối quyền công chứng nhưng để kiểm soát việc Công chứng viên tự ý từ chối công chứng không có lý do chính đáng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người yêu cầu công chứng thì tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP đã đề ra điều khoản quy định về mức xử phạt đối với hành vi từ chối công chúng khi không có lý do chính đáng. Căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng sẽ được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm dưới đây:

– Việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng là hoạt động được phép thực hiện tuy nhiên nếu hoạt động này thực hiện không đúng quy định sẽ bị áp dụng mức xử phạt nêu trên;

– Không đảm bảo đúng theo quy định về thời hạn khi tiến hành công chứng;

– Việc sửa chữa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng nếu diễn ra không đúng quy định cụ sẽ bị áp dụng mức phạt tối đa lên đến 7 triệu đồng;

– Nghiêm cấm hành vi sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

– Đặc biệt, đối với trường hợp từ chối yêu cầu công chứng mà không trình bày được lý do chính đáng thì Công chứng viên có thể bị xử phạt với mức nêu trên;

– Hành vi không sử dụng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt hoặc không tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp của Công chứng viên cũng được xác định là hành vi vi phạm;

– Việc tập sự đối với Công chứng viên là một trong những quy trình bắt buộc phải diễn ra nhưng khi hướng dẫn nhiều hơn hai người tập sự tại cùng một thời điểm cũng là đang vi phạm hoặc tiến hành hướng dẫn tập sự nhưng không đủ điều kiện để tiến hành hướng dẫn; 

– Cá nhân sau khi lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng để tập sự nhưng tổ chức này không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;

– Đối với mỗi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch thì hồ sơ chuẩn bị không thể thiếu đó là phiếu yêu cầu công chứng nên nếu thực hiện công chứng mà không có giấy tờ này là đang vi phạm;

– Bất chấp việc phát hiện ra hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung nhưng Công chứng viên cố tình công chứng hợp đồng, giao dịch gây nên sai sót, ảnh hưởng quyền lợi của cá nhân, tổ chức khác.

 Như vậy Công chứng viên hoàn toàn có thể từ chối yêu cầu công chứng song phải đảm bảo nêu lý do chính đáng đối với quyết định từ chối yêu cầu công chứng. Trong trường hợp việc từ chối yêu cầu công chứng mà không có căn cứ rõ ràng để đưa ra quyết định ngay sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.

 

 

 

Hương My(T/h)