Vi phạm quy định về đấu thầu là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu gây thiệt hại tài sản cho người khác.

Các yếu tố cấu thành tội phạm

Mặt khách thể:

Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu mà cụ thể là xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước, xâm phạm đến việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, uy tín, hình ảnh quốc gia.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu đối với các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng nguồn vốn nhà nước theo các quy định của pháp luật.

Mặt khách quan:

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. (Điểm 12, Điều 4 Luật đấu thầu 2013)

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về hoạt động đấu thầu gây thiệt hại tài sản cho người khác. Đây cũng được coi là một tội danh quy định chi tiết, cụ thể hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu.

Hành vi khách quan của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu được quy định cụ thể gồm các hành vi sau:

+ Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu: Đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Việc can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu có thể nhằm làm thay đổi kết quả đấu thầu, thay đổi các hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu…

+ Thông thầu: Thông thầu là hành vi thống nhất thỏa thuận của các bên tham gia dự thầu, cung ứng dịch vụ, phí dịch vụ cho các hoạt động đầu tư xây lắp trong gói thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu, gây khó khăn cho các bên không tham gia thỏa thuận.

+ Gian lận trong đấu thầu: Gian lận trong đấu thầu là hành vi của những người tham gia dự thầu, những người có trách nhiệm trong thẩm định các hồ sơ, nhà thầu, nhà đầu tư hoặc để đạt được lợi ích khác, trốn tránh các nghĩa vụ phải thực hiện.

+ Cản trở hoạt động đấu thầu: là hành vi của cá nhân, tổ chức ngăn cản, gây khó khăn, trở ngại cho những cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoặc tham gia hoạt động đấu thầu. Thông qua việc cản trở hoạt động đấu thầu, các cá nhân tổ chức làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, làm sai lệch hồ sơ, gây thiệt hại về tài sản, hiệu quả hoạt động đấu thầu, hiệu quả thực hiện dự án đầu tư…

+ Vi phạm quy định của Nhà nước về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu: Để đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các hoạt động đấu thầu cần đảm bảo công bằng, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có khả năng thực hiện hiệu quả nhất dự án đầu tư.

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu: Nợ đọng vốn là việc các nhà thầu đã thực hiện dự án đầu tư nhưng không được chủ đầu tư thanh toán kinh phí. Nợ đọng vốn của nhà thầu ảnh hưởng tới hoạt động tái đầu tư, ảnh hưởng đến việc cân đối và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của nhà thầu.

+ Chuyển nhượng thầu trái phép: Trong quá trình thực hiện các gói thầu, luật pháp cho phép các nhà thầu được chuyển nhượng nhằm thực hiện hiệu quả gói thầu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng thầu cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các hành vi chuyển nhượng thầu sau bị nghiêm cấm: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Hậu quả, thiệt hại: Là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong 7 nhóm hành vi khách quan nêu trên mà còn vi phạm thì vẫn cấu thành tội phạm.

Thiệt hại ở đây không nhất thiết là thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà có thể là thiệt hại về tài sản của các nhà thầu, các cá nhân, tổ chức khác… chẳng hạn như là việc Nhà nước phải thanh toán giá trị gói thầu lớn hơn, việc thực hiện gói thầu bị chậm tiến độ dẫn tới hao mòn, thất thoát tài sản, phải gánh chịu tiền lãi phát sinh, các chi phí phát sinh khắc phục những sai phạm…

Hay như các nhà thầu phải chịu chi phí nghiên cứu, đưa ra gói thầu, bỏ nguồn lực tham dự thầu nhưng lại không trúng thầu do việc lựa chọn nhà thầu có vi phạm thì những chi phí của nhà thầu này cũng có thể xem xét là hậu quả của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.

Hiện nay Luật đấu thầu chỉ điều chỉnh hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư có nguồn vốn nhà nước, các dự án đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư có sử dụng đất. Còn các hoạt động đấu thầu các dự án khác thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu. Do đó, các hành vi vi phạm trong đấu thầu các dự án loại này, tùy vào mức độ thiệt hại mà xem xét ở các hành vi phạm tội khác, không cấu thành tội vi phạm các quy định về đấu thầu.

Chủ thể: Tội phạm này không có dấu hiệu đặc biệt. Người phạm tội có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện hành vi phạm tội. Chủ thể của tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu là những người thực hiện các giai đoạn, công việc trong quá trình đấu thầu, là những người làm việc thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, bên dự thầu, tư vấn, giám sát…

Tội phạm này đã mở rộng về chủ thể so với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của BLHS cũ. Nếu như tội cố ý làm trái, chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn, thì với tội vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng không yêu cầu dấu hiệu chủ thể đặc biệt này, có những hành vi phạm tội chỉ có thể thực hiện do những người không có chức vụ quyền hạn, chỉ được thực hiện bởi những nhà thầu, chẳng hạn như hành vi thông thầu..

Mặt chủ quan: Tội phạm vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có hình thức lỗi là cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra. Hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu với có lỗi vô ý thì tùy theo tính chất mức độ hậu quả mà xem xét ở các hành vi phạm tội khác.

Động cơ mục đích không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Tội phạm này thường có động cơ, mục đích là vụ lợi. Các hành vi phạm tội thường có sự cấu kết, thông đồng của chủ đầu tư, bên mời thầu, các nhà thầu, nhà tư vấn, giám sát,… nhằm nâng giá thầu, lựa chọn nhà thầu không đúng, không đủ năng lực sau đó chuyển nhượng thầu… từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước.

Tội phạm này thường đi kèm với hành vi tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và các tội phạm về tham nhũng khác.

Luật sư: Nguyễn Văn lâm ( Đoàn Luật sư Hà Nội)